Bán đất vườn Bù Gia Mập để trả nợ, nhiều hộ trắng tay

Tình trạng vay tiền tín dụng đen của nhiều hộ dân khiến lãi mẹ đẻ lãi con, phải bán đất vườn, đất rẫy trả nợ đang khiến vùng quê nghèo dậy sóng.

Bù Gia Mập là xã biên giới hiện có 1.716 hộ dân, trong đó, có đến 70% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số và tới hơn 243 hộ nghèo. Vì thiếu hiểu biết và mùa màng thất bát, các hộ dân dính bẫy tín dụng đen, trở thành con nợ từ lúc nào không hay biết. Nếu như bán đất rẫy tại Lộc Ninh, Bình Phước được săn đón, mặt bằng giá khả quan vì tiềm năng phát triển tốt thì tình trạng bán đất vườn Bù Gia Mập chủ yếu là “bán chạy bán tháo” để thoát khỏi áp lực từ chủ nợ.

Năm 2018, toàn xã có 105 hộ cầm cố đất với diện tích 166,8 ha, số tiền 16,952 tỷ đồng; chín hộ bán đất, diện tích 10 ha, số tiền hơn hai tỷ đồng; 14 hộ bán điều non, diện tích 24 ha, số tiền hơn hai tỷ đồng; 25 hộ vay nặng lãi với số tiền là 1,678 tỷ đồng.

Sập bẫy tín dụng đen, chiêu thức tính lãi ngày

Lợi dụng tình thế giá nông sản xuống thấp, đời sống cư dân có phần thiếu thốn, tín dụng đen “mò” về tận vùng sâu vùng xa, nơi trình độ dân trí thấp để hòng cài bẫy, nhắm vào các lô đất vườn, đất rẫy để siết nợ.

Người dân nợ nần vì tín dụng đen

Ông Điểu Phăn trú tại thôn Bù Nga, cách đây 3 năm có vay 160 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày của bà Thị Nhung ở cùng thôn. Con số này tính ra tương đương với mức lãi suất 12%/tháng và 144%/năm. Sau một thời gian 10 ngày gom lãi một lần, gia đình ông hầu như cạn kiệt, không còn khả năng để tiếp tục trả số tiền lãi “oái ăm” kia. Cứ thế lãi lẫn gốc được cộng dần, từ 160 triệu ban đầu, số nợ bây giờ đã lên con số 1,6 tỷ đồng!.

Tương tự, chị Lợi tại thôn Bù Lư cũng là một nạn nhân các của chiêu thức trả lãi theo ngày do bà Nhung đưa ra. Ban đầu, chị đứng ra vay số tiền 50 triệu đồng với tiền lãi 5.000 đồng/triệu/ngày. Đến hạn, chưa thể xoay sở kịp, chị lại tiếp tục vay mới để trả nợ cũ. Tổng số tiền chị vay của bà Nhung tổng lại cũng hơn 790 triệu đồng.

Hỏi ra mới biết, ai cũng có cách hiểu sai về việc tính lãi. Cứ nghe vài ngàn đồng một ngày là nghĩ lãi thấp, không đáng bao nhiêu. Chi khi tính toán, nhân lên theo tháng, theo năm thì mới biết hóa ra mình bị “cài”, tính như thế chẳng khác gì “cắt cổ”.

Bán đất vườn Bù Gia Mập tràn lan, nghèo lại càng nghèo

Trong khi mua bán nhà đất Bình Phước đang lên đến đỉnh cao, nhiều người cạnh tranh để tìm mua đất Bình Phước giá rẻ thì tại Bù Gia Mập, những khu đất vườn bán đi trong nước mắt. Vướng phải nợ nần, không còn cách nào khác, các hộ dân đành “bấm bụng” bán hết đất vườn, thậm chí là bán cả điều non để có tiền trả nợ.

Đơn cử như gia đình bà Thị Pang ở thôn Bù Nga, toàn bộ nguồn kinh tế phụ thuộc hết vào 6 sào đất vườn. Thế nhưng, do cần tiền mua sắm và trả nợ nên gia đình bà đã bán hết đất. Kinh tế vốn đã không có, nay lại chẳng còn đất để sản xuất, gia đình bà vẫn mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.

Ông Điểu Riên ở xã Đường 10, huyện Bù Đăng, chia sẻ: “Hết gạo ăn, hết tiền mua gạo luôn, thì phải vay thôi. Mà ai cũng nghèo, chẳng có tiền giúp cho mình vay đâu. Người ta mang tiền đến cho mình vay, bảo giúp mình, lãi ít, nên vay 10 triệu. Rồi nó đến nó bảo tiền lãi, tiền vay tổng cộng 30 triệu rồi, làm sao trả đây?”. Và rồi sau đó là hàng loạt lô đất vườn được sang nhượng, cầm cố, gán nợ, chỉ mong “tháo chạy” khỏi bọn đòi nợ thuê đầy hung hãn.

Người dân bán rẫy, bán điều để có tiền trả nợ

Trả lời về thực trạng này, ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: không chỉ giá nông sản xuống thấp, người dân còn mất mùa liên miên, dẫn tới không có tiền để trang trải. Trong khi đó, một số hộ có thói quen ăn chơi, mua sắm, không hiểu biết nhiều nên nhanh chóng trở thành tầm ngắm cho các đối tượng dụ dỗ cầm cố đất vườn, vay nặng lãi,... Không có tiền trả thì đành chịu “siết” đất. Đối tượng khá tinh vi khi hoạt động rất kín, do đó cũng gây khó khăn cho công tác giám sát, xử lý.

Tăng cường áp dụng biện pháp ngăn chặn

Nhận thấy tình trạng thiếu hiểu biết của người dân đồng bào dân tộc thiểu số đang gây ra nhiều hệ lụy xấu, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã nỗ lực thực hiện và phát triển nhiều chương trình hỗ trợ định canh, định cư, đào tạo dân trí, giải quyết việc làm,...

Phạm Thị Ánh Hoa - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, chính quyền bám sát hơn thực trạng địa phương, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch trái quy định. Đồng thời, các cấp phối hợp tổ chức họp, hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức tầm quan trọng của đất đai, cảnh giác trước thủ đoạn của bọn lừa đảo, giảm thiểu tình trạng bán đất, bán rẫy chạy nợ như hiện nay; lên kế hoạch sớm triển khai việc cấp giấy chứng nhận, hỗ trợ vay vốn ngân hàng cho người dân địa phương.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn