Bản đồ hiện trạng vị trí là gì? Vai trò, thủ tục thực hiện

Bản đồ hiện trạng vị trí vốn rất cần trong nhiều thủ tục liên quan đến nhà cửa, đất đai. Tuy nhiên, lại không có quá nhiều người biết và hiểu về khái niệm nay.

Khi có nhu cầu cấp đổi giấy chứng nhận, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất hoặc xin phép xây dựng, hồ sơ thủ tục thường yêu cầu người thực hiện cung cấp bản đồ hiện trạng vị trí của đất, nhà ở (bản vẽ hiện trạng nhà đất). Theo ghi nhận thực tiễn, người dân thường không nắm rõ về bản đồ này, không biết chúng là gì và cách thức, quy trình thực hiện ra sao. Điều này khiến cho các thủ tục trở nên mất thời gian, công sức và hiệu quả.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cũng như tính hợp pháp cho các giao dịch, thủ tục nhà đất liên quan, cùng tìm hiểu chi tiết hơn về bản đồ hiện trạng vị trí.

Bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất là gì?

Bản đồ/bản vẽ hiện trạng vị trí là tài liệu được tạo ra nhằm mục đích xác thực nhà ở hay khu đất ở thời điểm hiện tại, phản ánh đúng tình hình sử dụng đất của chủ sở hữu. bản vẽ này được lập dựa trên các cơ sở, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khái niệm bản đồ hiện trạng vị trí

Để đo vẽ và lập bản đồ hiện trạng vị trí cho nhà đất, phụ thuộc vào việc khu vực đó có hay chưa có nền bản đồ địa chính có tọa độ. Lưu ý, bản đồ hiện trạng vị trí sẽ khác so với bản đồ trích đo thửa đất.

Trong các thủ tục xin giấy phép xây dựng, cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận, hoàn công nhà ở, tách thửa, hợp thửa,... thì bước lập bản vẽ hiện trạng vị trí là yêu cầu cần thiết, buộc phải thực hiện.

Thủ tục đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Đất đai 2013
  • Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018,
  • Nghị định số: 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.
  • Thông tư số: 24/2018/TT-BTNMT quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.
  • Thông tư số: 19/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỉ lệ 1:2.000, 1:5.000).

Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính có tọa độ rõ ràng

Với trường hợp này, trong giai đoạn đo vẽ thành lập bản đồ địa chính có toạ độ làm bản vẽ vị trí đất, một bộ hồ sơ mẫu đã được thẩm định sử dụng hồ sơ kỹ thuật đã được thiết lập, sau đó chỉ cần đo vẽ bổ sung bản vẽ hiện trạng nhà là đủ cơ sở thành lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở đất ở.

Bước 1:

  • Cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là người có nhu cầu xin cấp GCN) liên hệ và lập thủ tục tại quận, huyện.
  • Quận căn cứ trên bản đồ địa chính khu đất để cung cấp hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho người có nhu cầu.
  • Người có nhu cầu liên hệ với đơn vị có chức năng để hợp đồng thực hiện đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà dựa trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã có; sau đó thực hiện kiểm tra nội dung bản vẽ hiện trạng nhà, ký xác nhận và chuyển bản vẽ hiện trạng nhà này đến quận cùng với hồ sơ xin cấp GCN.

Bước 2:

  • Quận kiểm tra cấp quản lý nhà nước bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất về các yếu tố hình học thửa đất như: vị trí, hình thể, diện tích… và các yếu tố thuộc phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật như: lộ giới, hẻm giới, phạm vi an toàn điện…
  • Quận tổ chức thực hiện việc kết hợp bản vẽ hiện trạng nhà với hồ sơ kỹ thuật thửa đất tương ứng để thành lập bản vẽ sơ đồ nhà đất mà sẽ được thể hiện trên GCN.
  • Quận trình toàn bộ hồ sơ lên Uỷ ban Nhân dân thành phố để được xét duyệt, ký GCN và cấp cho chủ sử dụng.

Thủ tục đo vẽ

Đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính có tọa độ

Tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất độc lập đối với từng căn nhà có tham khảo và đối chiếu với nền bản đồ hoặc nền sơ đồ tốt nhất đang được sử dụng tại quận, huyện.

Bước 1:

  • Quận hướng dẫn người có nhu cầu xin cấp GCN hợp đồng với đơn vị có chức năng tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí đất và bản vẽ hiện trạng nhà. Nếu việc đo đạc lập hai loại bản vẽ này giao cho cùng một đơn vị thực hiện thì sẽ thống nhất được về mặt số liệu và giảm được thời gian thực hiện; nếu giao cho hai đơn vị thực hiện, thì đơn vị đo sau phải tham khảo số liệu của đơn vị đo trước để có sự phù hợp và thống nhất về hình thể, kích thước.
  • Đơn vị đo đạc bản đồ cần liên hệ trước với quận để thu thập các thông số về quy hoạch nhằm thực hiện một lần bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất trên đó thể hiện đầy đủ, chính xác vị trí, hình thể thửa đất và các ranh quy hoạch (nếu có).
  • Sau khi kiểm tra, chủ sử dụng ký xác nhận trên bản vẽ và nộp hai bản vẽ nêu trên cùng hồ sơ có liên quan cho quận, huyện.

Bước 2:

  • Quận tiến hành kiểm tra, xử lý theo nội dung giống với trường hợp khu vực đã có bản đồ địa chính có tọa độ rõ ràng

Đối với khu vực đang đo đạc lập bản đồ địa chính có tọa độ

Trong quá trình thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính có tọa độ theo kế hoạch hàng năm; quận, huyện sẽ phối hợp với đơn vị đo đạc (đang đo vẽ bản đồ địa chính) để thực hiện song song việc đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà để khi thành lập xong bản đồ địa chính, có hồ sơ kỹ thuật thửa đất thì đồng thời có luôn bản vẽ hiện trạng nhà.
Lập bản vẽ hiện trạng nhà khi thay đổi chủ sở hữu

Theo hướng dẫn tại điều 23 Thông tư số 17/2008/TT-BTNMT ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, về việc lập bản vẽ hiện trạng nhà khi đăng ký thay đổi chủ sở hữu nhà ở, không quy định khi nộp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhà và quyền sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng phải tiến hành đo vẽ lại hiện trạng nhà đất thì mới được đăng ký chuyển nhượng.

Bản đồ địa chính là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai 2013: “Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.

Nội dung được thể hiện trên bản đồ địa chính

Theo Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, bản đồ địa chính thể hiện các nội dung chính gồm:

1- Khung bản đồ;

2- Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;

3- Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;

4- Mốc giới quy hoạch; chi giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;

5- Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;

6- Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình;

7- Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;

8- Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;

9- Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình);

10- Ghi chú thuyết minh.

Bản đồ địa chính là loại bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, không thể hiện thông tin pháp lý của người sử dụng thửa đất đó.

Nói cách khác, bản đồ địa chính chỉ thể hiện các thửa đất và thông tin về các yếu tố địa lý của thửa đất, không thể hiện thông tin pháp lý về người sử dụng của thửa đất.

Trên đây là những giải đáp về bản đồ hiện trạng vị trí theo các quy định và hướng dẫn mới nhất.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn