Hướng dẫn cách tính thuế nhà thầu chi tiết nhất

Thuế nhà thầu là gì? Cách tính thuế nhà thầu như thế nào? Trong các trường hợp cụ thể, loại thuế này được quy định ra sao?

Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, chi tiết về các trường hợp phải đóng thuế, mức thuế suất lại được quy định chi tiết trong các văn bản chuyên ngành. Để tìm hiểu chi tiết hơn, cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

Thuế nhà thầu là gì?

Thuế nhà thầu, trong tiếng anh gọi là “Foreign Contractor Tax” (viết tắt FCT), theo các quy định hiện hành, là loại thuế được áp dụng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo luật Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ cung ứng dịch vụ hay dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam.

Thuế nhà thầu là gì?

Mục đích thu thuế nhà thầu

Thuế nhà thầu được thu theo quy định của nhà nước, nhằm mục đích:

  • Góp phần vào việc xây dựng nên chính sách tài chính của nhà nước; đảm bảo cho việc vận hành bộ máy chính quyền của quốc gia.
  • Nguồn tiền từ thuế có thể được điều chỉnh hoạt động kinh doanh, sản xuất.
  • Tạo sự công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội từ các khoản tài chính
  • Thiết lập căn cứ để chứng minh tổ chức và cá nhân nước ngoài đã tham gia đầy đủ các nghĩa vụ cần thực hiện khi kinh doanh tại Việt Nam.

Đối tượng chịu thuế nhà thầu

Theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam; đối tượng chịu thuế nhà thầu gồm:

  • Tổ chức nước ngoài kinh doanh có các cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú hay không cư trú tại Việt Nam (nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hay có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hay cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức và cá nhân Việt Nam hay giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài nhằm thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu thì phải chịu thuế nhà thầu .
  • Tổ chức và cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có các phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức và cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công, xuất trả hàng hóa cho tổ chức và cá nhân nước ngoài) hay thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam, cung cấp hàng hóa theo các điều kiện giao hàng của điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán phải chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó tổ chức và cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hay chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, chất lượng dịch vụ, tiếp thị, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hay ấn định giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ. Gồm cả trường hợp uỷ quyền hay thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối và dịch vụ khác liên quan đến việc buôn bán hàng hóa tại Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức và cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức và cá nhân nước ngoài thì chịu thuế nhà thầu.Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu và quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu và bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.

Theo đó, các đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu, bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức: giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài và giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.

Các loại thuế áp dụng cho nhà thầu

Thuế nhà thầu là cách gọi chung các loại thuế áp dụng với nhà thầu, theo Điều 5 Thông tư số 103/2014/TT-BTC, từng trường hợp sẽ có các loại thuế áp dụng tương ứng:

  • Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư.
  • Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.
  • Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.

Các loại thuế nhà thầu phải nộp

Kê khai thuế nhà thầu nước ngoài

  • Bên Việt Nam ký hợp đồng với Nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài và nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu
  • Khai thuế đối với trường hợp nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu là loại khai theo lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài và khai quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu.
    • Trường hợp bên Việt Nam thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong tháng thì có thể đăng ký khai thuế theo tháng thay cho việc khai theo từng lần phát sinh thanh toán tiền cho Nhà thầu nước ngoài.
    • Bên Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong phạm vi 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng.

Hồ sơ khai thuế nhà thầu

Trường hợp 1: Tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài dành cho trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài

  • Mẫu số 01/NTNN

Thời hạn nộp hồ sơ và nộp thuế:

  • Kỳ kê khai tháng: chậm nhất vào ngày 20 tháng sau (Trường hợp bên Việt Nam thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong tháng thì có thể đăng ký khai thuế theo tháng thay cho việc khai theo từng lần phát sinh thanh toán tiền cho Nhà thầu nước ngoài)
  • Theo từng lần phát sinh: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài

Trường hợp 2: Tờ khai quyết toán thuế nhà thầu nước ngoài dành cho trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài

  • Mẫu số 02/NTNN

Thời hạn nộp hồ sơ và nộp thuế: Trong thời hạn 45 ngày kể từ khi kết thúc hợp đồng nhà thầu

Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài chi tiết

Cách tính thuế nhà thầu theo quy định chung

Hiện nay, có 2 phương pháp tính thuế nhà thầu, gồm:

  • Phương pháp kê khai: Áp dụng cho nhà thầu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
    • Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
    • Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
    • Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
    • Đối với phương pháp này thì nhà thầu thực hiện kê khai và tính thuế như doanh nghiệp Việt Nam bình thường.
  • Phương pháp trực tiếp: Áp dụng cho nhà thầu không đáp ứng các điều kiện nêu trên. Bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thay thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.

Trường hợp này sẽ áp dụng công thức tính, căn cứ tính thuế được hướng dẫn theo Thông tư 103/2014/TT-BTC.

Cụ thể các khoản thuế mà nhà thầu phải nộp như sau:

Thuế Giá trị gia tăng

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu

Doanh thu tính thuế GTGT:

Là toàn bộ doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ, các dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài hay Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế cần phải nộp. Kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay cho Nhà thầu nước ngoài hay Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có), để xác định được chính xác thuế nhà thầu, bao gồm:

  • Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam;
  • Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp ngoài Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam.
  • Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: Điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam Việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí),
  • Việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư
  • Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí) thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng.

Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu:

Tỷ lệ % để tính thuế GTGT

Thuế TNDN

Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Doanh thu tính thuế TNDN:

  • Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hóa; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
  • Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: Điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam Việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí)
  • Việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu:

Tỷ lệ % thuế TNDN

Cách tính thuế nhà thầu từng trường hợp khác

Cách tính thuế nhà thầu theo giá gross

Tính thuế nhà thầu theo giá Gross là giá trị hợp đồng thầu giữa Doanh nghiệp Việt Nam và nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam đã bao gồm thuế.

Thuế GTGT = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên DT

Thuế TNDN = ( Giá trị hợp đồng- Thuế GTGT) x tỷ lệ thuế TNDN

Cách tính thuế nhà thầu theo giá net

Thuế nhà thầu tính theo giá NET nghĩa là giá trị hợp đồng thầu giữa Doanh nghiệp Việt Nam và nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam chưa bao gồm thuế.


Trường hợp theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ, doanh thu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp thì doanh thu tính thuế TNDN được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu không bao gồm thuế TNDN : (1 – Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế)

Trường hợp theo thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ, doanh thu nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế GTGT phải nộp thì doanh thu tính thuế GTGT phải được quy đổi thành doanh thu có thuế GTGT và được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT : (1 – Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu)

Cách tính thuế nhà thầu phí hệ thống quản trị, đường truyền

Theo hướng dẫn tại Công văn 7565/CT-TTHT ngày 10/08/2017 của Cục thuế Tp. HCM về thuế nhà thầu:

Văn bản hướng dẫn tính thuế nhà thầu đối với phí sử dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và phí đường truyền.

Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC, trường hợp Công ty ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài để được cung cấp dịch vụ đường truyền và sử dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp, mức tính phí trên số lượng người sử dụng thì trước khi thanh toán, Công ty phải khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu.

Mức thuế nhà thầu tương ứng với từng dịch vụ như sau (Điều 12, 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC):

  • Phí sử dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp, phí sử dụng mail của tập đoàn: chỉ khấu trừ thuế TNDN 10%, riêng thuế GTGT được miễn.
  • Phí đường truyền và phí hỗ trợ đường truyền: khấu trừ thuế GTGT 5% và thuế TNDN 5%

Cách tính thuế nhà thầu phí thanh toán trung gian

Theo Công văn 3248/TCT-CS ngày 07/09/2018 của Tổng cục Thuế:

Trường hợp tổ chức nước ngoài làm trung gian thanh toán cho các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp Việt Nam thì khoản phí được hưởng phải chịu thuế nhà thầu. Bên bán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu trước khi thanh toán phí dịch vụ.

Tuy nhiên, trường hợp tổ chức nước ngoài làm trung gian thanh toán cho các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa bên bán tại nước ngoài và bên mua tại Việt Nam thì khoản phí dịch vụ nhận thanh toán từ bên bán ở nước ngoài không phải chịu thuế nhà thầu.

Cách tính thuế nhà thầu tiền bồi thường

Theo Công văn 6600/CT-TTHT ngày 06/07/2018 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh

“Trường hợp Công ty theo trình bày là tổ chức nước ngoài (quốc tịch Đài Loan) ký hợp đồng mua hàng hóa với doanh nghiệp tại Việt Nam (Công ty TNHH Thuận Phúc Đạt – viết tắt TPĐ) để xuất khẩu. Theo trình bày, trong quá trình thực hiện TPĐ không hoàn thành hợp đồng và phải bồi thường một khoản tiền cho Công ty theo phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (TPĐ đã chi trả tiền bồi thường cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị đại diện ủy quyền Công ty đến nhận tiền bồi thường do không có tài khoản ngoại tệ tại Kho bạc nhà nước) thì nghĩa vụ thuế được xác định như sau:

Thuế GTGT: Tiền bồi thường không phải kê khai nộp thuế GTGT;

Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x 2%

Trường hợp Công ty ủy quyền cho Công ty TNHH Quốc tế Vận Đỏ (viết tắt Công ty Bonaza VN) được quyền thay mặt Công ty nhận số tiền bồi thường từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai và sử dụng số tiền này để chuyển lại cho Công ty hoặc thanh toán toàn bộ cho các bên thứ ba theo chỉ đạo của Công ty và TPĐ chưa thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu theo quy định nêu trên thì Công ty Bonaza VN có nghĩa vụ khai, nộp thuế nhà thầu đối với tiền bồi thường thay cho Công ty theo quy định.

Trường hợp Công ty Bonaza VN được hưởng thù lao dịch vụ hoa hồng theo tỷ lệ thỏa thuận giữa 2 bên về việc thu chi hộ thì Công ty Bonaza VN có nghĩa vụ lập hóa đơn GTGT, kê khai nôp thuế (thuế GTGT và thuế TNDN) theo quy định.

Trên đây là cách tính thuế nhà thầu chi tiết theo các cập nhật mới nhất. Bạn đọc có thể tham khảo và tìm hiểu thêm ở những văn bản hướng dẫn liên quan.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn