Giấy hoàn công là gì? 4 điều cần biết về hoàn công

Là một trong những giấy tờ quan trọng trong xây dựng, vậy bạn đã biết: Giấy hoàn công là gì? Tại sao phải hoàn công nhà ở? Và thủ tục hoàn công như thế nào chưa?

Nhà sau khi xây dựng xong vẫn chưa được gọi là hoàn thiện nếu như chưa có giấy hoàn công. Hoàn công được xem là thủ tục cuối cùng để pháp luật công nhận giá trị của căn nhà và là căn cứ để xác định quyền sở hữu của gia chủ đối với căn nhà. Nếu không có giấy hoàn công thì gia chủ chỉ có quyền sử dụng đất chứ không có quyền sở hữu nhà trên mặt đất.

Nếu bạn chưa biết về giấy hoàn công hoặc thắc mắc về các vấn đề liên quan đến hoàn công thì đừng bỏ lỡ những nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về giấy hoàn công

Hoàn công là gì?

Giấy hoàn công là gì 1

Theo định nghĩa của Wikipedia thì hoàn công (hay hoàn công xây dựng, hoàn thành công trình) là một thủ tục hành chính trong hoạt động xây dựng công trình nhà cửa để xác nhận việc các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành công trình xây dựng.

Hoàn công được thực hiện khi và chỉ khi:

  • Đã có giấy phép xây dựng
  • Đã thực hiện xong việc thi công có nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng.

Hoàn công không chỉ là thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật mà còn là điều kiện để được cấp đổi lại sổ hồng, trong đó sẽ được thể hiện những thay đổi về hiện trạng nhà đất sau thi công.

Giấy hoàn công là gì?

Giấy hoàn công là gì 2

Giấy hoàn công là tên gọi của sổ hồng hoàn công, là giấy tờ thể hiện công trình đã thực hiện thủ tục hành chính về hoàn công xây dựng. Sau khi đã thực hiện thủ tục hoàn công thì trên sổ hồng sẽ có thông tin về công trình nhà ở nên được gọi là sổ hồng hoàn công.

Nhà chưa hoàn công là gì?

Những căn nhà chưa có giấy hoàn công thì được gọi là nhà chưa hoàn công. Có 3 lý do chính dẫn đến việc nhà chưa hoàn công, đó là:

  • Do xây dựng trái phép: đó là những trường hợp nhà chưa xin giấy phép xây dựng hoặc đã xin giấy phép nhưng xây dựng không đúng với giấy phép thì sẽ không thể làm thủ tục hoàn công;
  • Do chủ nhà muốn trốn tránh nghĩa vụ tài chính: khi thực hiện thủ tục hoàn công thì chủ nhà sẽ phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính, đồng thời cập nhật giá trị xây dựng lên Giấy chứng nhận, điều này dẫn đến trường hợp một số chủ nhà không hoàn công để tránh các khoản thuế, phí này;
  • Do không đủ điều kiện để hoàn công: có thể là do vấn đề an ninh, phòng cháy chữa cháy, môi trường không đảm bảo,.. cũng là nguyên nhân khiến nhà không thể hoàn công.

>> Dù là lý do gì đi chăng nữa thì việc nhà chưa hoặc không hoàn công sẽ không được pháp luật thừa nhận giá trị tài sản trên mặt đất - ngôi nhà.

Tại sao phải hoàn công nhà ở?

  • Để được pháp luật công nhận: Đối với pháp luật thì một ngôi nhà được xem là tồn tại là ngôi nhà đã hoàn tất thủ tục hoàn công, nếu không thì ngôi nhà đó sẽ không được công nhận về mặt pháp lý. Hoàn công chính là thủ tục hợp thức hóa việc sở hữu căn nhà, để pháp luật công nhận giá trị nhà trên đất và được cập nhật trong sổ hồng.
  • Để được chuyển nhượng, mua bán: Nếu không có giấy hoàn công thì chủ nhà không thể chuyển nhượng căn nhà mà chỉ có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu đã có giấy chứng nhận), trừ trường hợp nhà không thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng thì không cần phải làm thủ tục hoàn công.
  • Để được thế chấp ngân hàng: Có nhiều lý do khiến nhà chưa hoặc không hoàn công, nhưng nếu là lý do xây dựng trái phép thì hầu hết các ngân hàng đều không đồng ý thế chấp.
  • Để được đền bù khi thu hồi: Nếu căn nhà thuộc vào diện phải thu hồi theo quy định của nhà nước thì chủ nhà chỉ được bồi thường khi căn nhà có giấy hoàn công, và ngược lại sẽ không được đền bù. (Gợi ý xem thêm: Những quy định mới về luật đền bù giải tỏa 2021)

Khi nào phải hoàn công nhà ở?

Về thời điểm hoàn công

Giấy hoàn công là gì 3

Thời điểm cần tiến hành thủ tục hoàn công chính là sau khi công trình được hoàn thành. Lúc này nhà thầu thi công sẽ phải hoàn thiện thi công, thu dọn hiện trường, lập bản vẽ hoàn công và chuẩn bị tài liệu phục vụ việc nghiệm thu công trình.

Thủ tục hoàn công cần được thực hiện trước khi sử dụng và đăng ký quyền sở hữu công trình.

Về trường hợp hoàn công

  • Trường hợp cần hoàn công: Luật xây dựng 2014 quy định: Những công trình xây dựng ở khu đô thị, từ công trình nhà ở đến cơ quan nhà nước, công trình sản xuất kinh doanh, công trình công cộng,... đều phải có giấy hoàn công trước khi đưa vào sử dụng.
  • Trường hợp không cần hoàn công: Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa thì không cần xin giấy phép xây dựng và cũng không cần hoàn công.

Hướng dẫn thủ tục hoàn công đầy đủ nhất

Hồ sơ cần có

Theo Thông tư 05/2015/TT-BXD thì các giấy tờ cần có để tiến hành thủ tục hoàn công công trình bao gồm:

  • Giấy phép xây dựng
  • Hợp đồng xây dựng ký kết giữa các bên (nếu có)
  • Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng
  • Báo cáo kết quả thẩm tra và văn bản thẩm định bản vẽ thiết kế xây dựng công trình
  • Bản vẽ hoàn công công trình
  • Các báo cáo về kết quả kiểm định, thử nghiệm (nếu có)
  • Giấy tờ, hồ sơ xác nhận về an toàn phòng cháy chữa cháy, vận hành thang máy (nếu có).

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại công trình mà trong bộ hồ sơ có thể có thêm một số giấy tờ khác liên quan, bạn nên liên hệ trước với cơ quan xử lý hồ sơ để biết và chuẩn bị đủ.

Giấy hoàn công là gì 4

Đối với nhà ở riêng lẻ thì hồ sơ hoàn công thường bao gồm:

  • Bản vẽ kiến trúc theo hiện trạng
  • Bản vẽ hiện trang sơ đồ nhà, đất
  • Biên bản nghiệm thu công trình
  • Bản sao các loại giấy tờ cá nhân của chủ nhà (chứng minh nhân dân, hộ khẩu,...)
  • Bản sao hồ sơ pháp lý của nhà (giấy phép xây dựng, thông báo cấp số nhà,...)
  • Đơn đăng ký biến động theo mẫu (Mẫu 09)

Mách bạn: Đối với bản vẽ và biên bản thì chủ nhà nên nhờ công ty xây dựng uy tín thực hiện, và chi phí phải trả sẽ dao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng.

Cơ quan có thẩm quyền xử lý

  • Nếu là công trình nhà ở riêng lẻ của dân và các công trình xây dựng khác tại quận, huyện, thị xã thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã sẽ là nơi giải quyết;
  • Nếu nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, vùng có quy hoạch xây dựng thuộc địa giới cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã là nơi giải quyết;
  • Nếu là công trình xây dựng đặc biệt, cấp 1, thuộc tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa, đền chùa, đình miếu, công trình trên tuyến đường hoặc trục đường giao thông lớn thì liên hệ Sở Xây dựng để được giải quyết.

Các bước thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan hành chính nhà nước (như nói trên)

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền sẽ thụ lý, kiểm tra, xem xét hồ sơ xem có đầy đủ và hợp lệ không. Đồng thời đối chứng với thực tế hiện trạng công trình xây dựng.

Trước đây, khi tiến hành kiểm tra thực địa thì sẽ cần các bên liên quan đến công trình có mặt để đo đạc, đối chiếu. Tuy nhiên hiện nay để giảm bớt thời gian và quy trình kiểm tra thực địa thì các cá nhân, tổ chức, chủ sở hữu công trình cùng các đơn vị có liên quan sẽ tự tiến hành kiểm tra trực tiếp công trình, sau đó làm biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Trong biên bản sẽ có chữ ký của các bên liên quan để đảm bảo trách nhiệm liên đới.

Bước 3: Nếu hồ sơ hợp lệ và đúng với hiện trạng công trình thì cơ quan chức năng sẽ ký kết văn bản quyết định và thông báo lại cho bên yêu cầu hoàn công.

Bước 4: Đóng phí hoàn công

Chi phí làm hồ sơ hoàn công sẽ dao động trong khoảng từ 15 - 30 triệu. Chi phí đó bao gồm:

  • Lệ phí lập bản vẽ: khoảng 10.000 - 15.000 đồng/m2 sàn xây dựng (tùy đơn vị thực hiện);
  • Lệ phí trước bạ: 1% tổng giá trị căn nhà.
  • Phí cập nhật in nội dung tài sản lên đất: 50.000 đồng (nếu cấp đổi sổ mới là 100.000 đồng).

Khoản 11 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP quy định về các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ, đó là:

“Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tạo lập thông qua hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ”.

Bước 5: Chủ nhà cầm biên lai nộp thuế đến nơi nộp hồ sơ để nhận giấy hoàn công và kết thúc thủ tục hoàn công cho công trình xây dựng.

Lưu ý: Sau khi hoàn tất thủ tục hoàn công thì chủ nhà cần đăng ký biến động đất đai để ghi nhận sự thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (áp dụng đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có một số thay đổi về thông tin).

Thời gian thực hiện hoàn công

Thời gian hoàn công của mỗi công trình ở từng địa phương là khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì sẽ dao động trong khoảng thời gian sau đây:

  • Từ lúc nhận hồ sơ cho đến khi tiến hành đo đạc thực trạng công trình: 7 ngày
  • Kiểm duyệt hồ sơ: từ 3 tuần - 1 tháng (nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong vòng 15 ngày cơ quan có thẩm quyền sẽ phản hồi, nêu rõ lý do)
  • Hồ sơ sau khi duyệt xong sẽ được chuyển đến cơ quan thuế, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo đóng thuế về cho người yêu cầu hoàn công: 7 - 10 ngày

>>> Nhìn chung, toàn bộ quá trình tiến thành thủ tục hoàn công có thể kéo dài đến 2 tháng, tuy nhiên tùy vào quy mô công trình và cơ quan địa phương mà thời gian có thể nhanh hoặc lâu hơn.

Lời khuyên: Để tiết kiệm thời gian và tránh những sai sót không đáng có, bạn có thể sử dụng dịch vụ hoàn công. Tuy nhiên cần tham khảo và lựa chọn đơn vị uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.

Như vậy bài viết đã giúp bạn hiểu rõ giấy hoàn công là gì cùng các vấn đề liên quan đến hoàn công. Đừng quên cập nhật các quy định về luật đất đai mới nhất hiện nay để thực hiện và áp dụng đúng những vấn đề liên quan đến luật đất đai, xây dựng.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn