Giấy KT3 là gì? Giải đáp các vấn đề liên quan

Bên cạnh sổ hộ khẩu thì KT3 là giấy tờ được sử dụng phổ biến. Vậy giấy KT3 là gì? KT3 dùng để làm gì? Thủ tục làm giấy KT3 như thế nào? Tất tần tật sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Để xác nhận địa chỉ sinh sống của một người thì ngoài sổ hộ khẩu (KT1) còn có các loại sổ tạm trú gọi là KT2, KT3 và KT4 (sẽ phân biệt rõ trong bài viết). Trong đó KT3 là sổ phổ biến nhất, thường áp dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - không phải là nơi thường trú của công dân.

Phân biệt địa chỉ thường trú và tạm trú

Thường trú:

- Là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài, đã được đăng ký thường trú.

- Không có thời hạn cư trú.

- Điều kiện đăng ký: Có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình; hoặc có chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu nhưng được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

Tạm trú:

- Là nơi công dân sinh sống trong khoảng một thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

- Có thời hạn cư trú.

- Điều kiện đăng ký: Sinh sống tại chỗ ở hợp pháp để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên.

Tìm hiểu về giấy KT3

KT3 là gì?

KT3 là tên gọi của một loại sổ tạm trú dài hạn được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình ở một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đăng ký thường trú của cá nhân hoặc hộ gia đình này.

giấy KT3 là gì 1

Đăng ký KT3 là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam khi sinh sống ở một nơi khác không phải là nơi thường trú. Mục đích là để cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng cư trú của một địa điểm dân cư, đồng thời có ích cho cá nhân/hộ gia đình khi được hưởng các quyền và lợi ích giống như một công dân thường trú tại nơi tạm trú này.

Phân biệt KT1, KT2, KT3, KT4

KT1 Là sổ hộ khẩu đăng ký địa chỉ thường trú, là địa chỉ ghi trên chứng minh nhân dân có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
KT2 Là sổ tạm trú dài hạn áp dụng cho trường hợp công dân đăng ký tạm trú tại huyện, quận khác với huyện, quận nơi thường trú nhưng cùng một tỉnh, thành phố.
KT3 Là sổ tạm trú dài hạn giống KT2 nhưng áp dụng cho trường hợp công dân đăng ký tạm trú tại tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố nơi đăng ký thường trú.
KT4 Là sổ tạm trú giống như KT3 áp dụng cho công dân đăng ký tạm trú tại tỉnh, thành phố khác nơi đăng ký thường trú nhưng thời hạn sẽ ngắn hơn so với KT3 (6 tháng).

Lưu ý: Mặc dù nói rằng KT3 có thời hạn dài tuy nhiên Bộ Công an quy định:

Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú; thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú.” (theo Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 09/09/2014)

Tại sao nên làm giấy KT3?

Không chỉ là nghĩa vụ, đăng ký KT3 còn là quyền của mọi công dân khi sinh sống tại một nơi khác với nơi thường trú, bởi vì giấy KT3 mang đến các lợi ích sau đây:

1 Hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng nhà ở tại địa phương đang tạm trú;
2 Đăng ký mới, sang tên phương tiện giao thông (xe máy, ô tô, …);
3 Mua bán, sang tên, cho thuê nhà ở, bất động sản tại nơi đang tạm trú;
4 Vay vốn tín chấp tại các ngân hàng, công ty tài chính;
5 Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại nơi đang tạm trú;
6 Đăng ký sử dụng Internet, cáp, điện nước,….
7 Hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đăng ký nhập học, bằng lái xe, bảo hiểm,…

Điều kiện làm giấy KT3

  • Để được đăng ký KT3 thì công dân phải có các điều kiện sau đây:
  • Có giấy tờ tùy thân hợp lệ (là chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân);
  • Đã đăng ký địa chỉ thường trú lại 1 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố trung ương đăng ký tạm trú;
  • Có quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà đất tại địa chỉ thuộc tỉnh, thành phố nơi sẽ đăng ký tạm trú KT3 (phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); nếu trường hợp nhà ở là thuê, mượn hoặc ở nhờ (tức không có quyền sở hữu, sử dụng) thì phải có văn bản đồng ý của chủ nhà;
  • Phải sinh sống tại nơi cần đăng ký tạm trú KT3 ít nhất 30 ngày.

giấy KT3 là gì 2

Thủ tục đăng ký KT3 đầy đủ nhất

Hồ sơ cần có

Người yêu cầu đăng ký KT3 cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

  • Bản khai nhân khẩu (theo mẫu HK01)
  • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu HK02)
  • Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (xuất trình bản gốc và nộp bản sao)
  • Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (Giấy chứng nhận nếu là chủ sở hữu hoặc văn bản đồng ý của chủ sở hữu nếu là thuê, mượn)

Quy trình đăng ký

  • Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan công an phường, xã, thị trấn nơi tạm trú.
  • Bước 2: Trưởng công an tiếp nhận hồ sơ. Nếu hợp lệ thì hẹn kết quả sau 3 ngày làm việc. Nếu không hợp lệ thì hướng dẫn làm lại hoặc chuyển qua đăng ký KT4.
  • Bước 3: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Trưởng công an xã, phường, thị trấn sẽ có trách nhiệm cấp sổ KT3 cho công dân theo quy định.

giấy KT3 là gì 3

Giải đáp một số thắc mắc về giấy KT3

Thời gian làm sổ KT3 mất bao lâu?

Theo quy định của pháp luật thì thời gian làm sổ KT3 sẽ kéo dài trong 2 ngày làm việc. Tuy nhiên trực tế thường kéo dài lâu hơn, từ 7 - 10 ngày tùy từng địa điểm.

Chi phí làm sổ KT3 hết bao nhiêu?

Thông thường, chi phí đăng ký và cấp sổ KT3 dao động trong khoảng 20.000 đồng.

Có bắt buộc phải đăng ký KT3 không?

Đăng ký KT3 vừa là quyền lợi nhưng cũng là nghĩa vụ của mọi công dân khi sinh sống ở tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố nơi thường trú. Do vậy bắt buộc phải đăng ký KT3 nếu bạn có ý định tạm trú lâu dài. Nếu không đăng ký thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 8: Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, đồng thời tránh bị xử phạt vi phạm hành chính thì bạn nên tiến hành đăng ký KT3 khi chuyển đến nơi ở mới chưa quá 7 ngày.

KT3 có thời hạn trong bao lâu?

Thời hạn của KT3 chỉ kéo dài trong vòng 24 tháng. 30 ngày trước thời điểm hết hạn, công dân phải đến cơ quan công an nơi đăng ký tạm trú để thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định.

Như vậy bài viết đã giải thích rõ giấy KT3 là gì và các vấn đề liên quan, hi vọng đã giúp bạn hiểu rõ về loại giấy tạm trú này từ đó thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn