#2 mẫu hợp đồng thi công nội thất thông dụng nhất

Mẫu hợp đồng thi công nội thất được soạn thảo bằng văn bản với đầy đủ nội dung và điều khoản, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Xem ngay!

Cũng giống như hợp đồng ký gửi nhà đất, hợp đồng thuê nhà trọ, hợp đồng mua bán đất, hợp đồng cọc mua nhà,... thì hợp đồng thi công nội thất là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Cụ thể, đối với hợp đồng thi công nội thất thì đó là văn bản thể hiện quyền, nghĩa vụ của bên thuê và bên thi công. Hợp đồng được thành lập thành văn bản với đầy đủ các điều khoản để làm căn cứ giải quyết tranh chấp nếu có sau này.

Bài viết dưới đây là các nội dung liên quan đến hợp đồng thi công nội thất, bao gồm vai trò, nguyên tắc lập hợp đồng, cách soạn thảo và giới thiệu mẫu hợp đồng mới nhất. Nếu anh/chị đang tìm kiếm mẫu hợp đồng thi công nội thất chuẩn nhất thì không thể bỏ lỡ nội dung của bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về hợp đồng thi công nội thất

Khái niệm

Hợp đồng thi công nội thất là những thỏa thuận giữa gia chủ/chủ đầu tư đối với đơn vị thi công về các điều kiện và yêu cầu diễn ra giữa 2 bên. Theo đó, đơn vị thi công sẽ phải tiến hành các công việc đã được ghi trong hợp đồng theo đúng thời gian, địa điểm yêu cầu. Đổi lại, gia chủ/chủ đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ cho đơn vị thi công số tiền và thời gian như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

hợp đồng thi công nội thất 1

Phân loại

Hợp đồng thi công nội thất có 2 loại:

  • Một là, hợp đồng thi công trọn gói: sẽ bao gồm thiết kế đến thi công, lắp đặt đầy đủ và hoàn thiện nội thất (Xem nhanh mẫu hợp đồng: tại đây);
  • Hai là, hợp đồng thi công có sẵn: nghĩa là thi công dựa trên thiết kế có sẵn, có thể mua hoặc không mua thiết bị phụ kiện đi kèm (Xem nhanh mẫu hợp đồng: tại đây).

Vai trò

Hợp đồng thi công nội thất là giấy tờ nên có khi các bên tiến hành thỏa thuận với nhau về các điều khoản khi hợp tác. Những nội dung thể hiện trong hợp đồng sẽ:

  • Đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia;
  • Thể hiện rõ ràng nghĩa vụ của bên thi công cũng như gia chủ/chủ đầu tư;
  • Giúp việc thi công đúng thời gian, địa điểm, tiến độ và đúng yêu cầu đã được thỏa thuận;
  • Là cơ sở để giải quyết các tranh chấp nếu có sau này.

hợp đồng thi công nội thất 2

Hướng dẫn cách lập hợp đồng thi công nội thất chuẩn nhất

Nguyên tắc lập hợp đồng

Pháp luật Việt Nam hiện hành không có những quy định cụ thể về hợp đồng thi công nội thất, tuy nhiên nguyên tắc chung khi soạn thảo hợp đồng mà các bên cần nắm đó là:

  • Dựa trên sự bình đẳng, tự nguyện của các bên;
  • Phải có sự thống nhất rõ ràng, đầy đủ về các điều khoản;
  • Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật (hàng hóa pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội; người tham gia phải có năng lực hành vi dân sự,...);
  • Có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia.

Nội dung cần có

Điều 398 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nội dung của hợp đồng như sau:

“1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp”.

Tùy vào từng loại hợp đồng mà nội dung sẽ có sự khác nhau. Đối với hợp đồng thi công nội thất thì những nội dung cần có bao gồm:

  • Thông tin của bên đại diện về mặt pháp lý sẽ tiếp nhập hợp đồng này;
  • Thông tin của 2 bên giao dịch: ghi rõ và chính xác tên, địa chỉ,...;
  • Thông tin về nguyên vật liệu được sử dụng trong công trình: màu sắc, chất liệu,...;
  • Báo giá chi tiết từng khoản cụ thể;
  • Những khoản bên thi công cần mua hoặc yêu cầu gia chủ/chủ đầu tư cung cấp thì phải ghi rõ;
  • Hình thức thanh toán;
  • Thời gian thi công, tiến độ và thời gian hoàn thành; cách xử lý khi chậm trễ;
  • Những giấy tờ và thủ tục cấp phép cần trao đổi với nhau;
  • Hướng giải quyết tranh chấp nếu có;
  • Hướng bồi thường và chi phí phát sinh nếu có;
  • Chữ ký hai bên.

Ngoài ra còn có những điều khoản khác tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên tham gia.

Mẫu hợp đồng thi công nội thất phổ biến nhất hiện nay

Mẫu hợp đồng thi công nội thất không bao gồm thiết kế

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG THI CÔNG NỘI THẤT

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực ngày 01/01/2017.

Căn cứ Luật thương mại năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực ngày 01/01/2006.

Căn cứ vào nhu cầu và năng lực của hai bên.

Hôm nay, ngày […] tháng […] năm […] tại […], chúng tôi ký tên dưới đây gồm có:

Bên A: Chủ đầu tư (hoặc đại diện của Chủ đầu tư)

Họ và tên: […] Năm sinh: […]

CMND số: […] cấp ngày: […]/[…][…] tại […]

Địa chỉ: […]

Điện thoại: […]

Bên B: Đơn vị thi công nội thất

Tên tổ chức: […]

MST: […]

Đại diện: Ông/bà […] Chức vụ: […]

Địa chỉ trụ sở: […]

Điện thoại: […]

Hai bên thống nhất ký kết hợp đồng thi công nội thất tại công trình:

Địa chỉ: […]

Loại công trình: […]

Điều 1. Nội dung và khối lượng công việc cần đề cập trong mẫu hợp đồng thi công

Bên A giao cho Bên B thầu thi công toàn bộ sản phẩm nội thất theo đúng bản vẽ kiến trúc, nội thất đã được hai bên thống nhất và ký xác nhận kèm theo hợp đồng này.

Bên B sử dụng toàn bộ vật tư, chất liệu, mã số màu theo đúng thông số kỹ thuật, chủng loại, số lượng thể hiện trong phụ lục đã được hai bên thống nhất và ký xác nhận kèm theo hợp đồng này.

Điều 2. Thời hạn thi công

2.1. Thời hạn thi công là […] ngày, tính từ:

Ngày […] Tháng […] Năm […]

Ngày […] Tháng […] Năm […] bàn giao.

2.2. Gia hạn thời gian hoàn thành

Bên B được phép gia hạn thời gian hoàn thành nếu có một trong những lý do sau đây:

- Có sự thay đổi phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của Chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.

- Sự chậm trễ, trở ngại trên công trường do Chủ đầu tư, nhân lực của Chủ đầu tư hay các nhà thầu khác của Chủ đầu tư gây ra.

- Do ảnh hưởng của các trường hợp bất khả kháng như: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất, hoạt động núi lửa, chiến tranh, dịch bệnh.

Điều 3. Giá trị hợp đồng thi công

Tổng giá trị hợp đồng: […] VNĐ

Viết bằng chữ: […] đồng

Đơn giá chưa bao gồm thuế VAT

Điều 4. Cách thức thanh toán hợp đồng thi công nội thất theo từng giai đoạn (tiền mặt hoặc chuyển khoản)

Khi hợp đồng được ký kết, để đảm bảo vốn sản xuất, Bên A ứng trước cho Bên B …% kinh phí trên tổng giá trị hợp đồng

Số tiền: […]VND

Sau khi Bên B thi công 70% khối lượng công việc, Bên A thanh toán tiếp […]% tiền trên tổng giá trị hợp đồng

Số tiền: […]VND

Bên A thanh toán […]% còn lại sau khi nghiệm thu và bàn giao toàn bộ đồ nội thất

Số tiền: […]VND

Điều 5. Trách nhiệm Bên A

  • Chọn người giám sát có chuyên môn và thông báo bằng văn bản cho Nhà thầu về nhân lực chính sẽ theo dõi số lượng và chất lượng sản phẩm trong suốt thời gian sản xuất.
  • Tổ chức cho bộ phận thi công của Bên B được tạm trú tại địa phương.
  • Chuẩn bị đầy đủ kinh phí và thanh toán đúng thời hạn cho Bên B. Nếu chậm thanh toán, Bên B được tính lãi suất Ngân hàng trên số tiền Bên A nợ.

Điều 6. Trách nhiệm Bên B

  • Sản xuất và thi công nội thất đúng với nội dung và khối lượng công việc quy định tại Điều 1.
  • Hoàn thành các hạng mục công trình đúng thời hạn hợp đồng, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ. Bên B có lỗi chậm hoàn thành công trình sẽ bị phạt 2% mỗi tuần giá trị của khối lượng bị kéo dài (trừ trường hợp do lỗi Bên A gây ra, những ngày thiên tai, mưa bão hoặc trường hợp bất khả kháng không thể thi công được).
  • Chịu toàn bộ chi phí và lệ phí cho các quyền về đường đi lại mà nhà thầu cần có, bao gồm lối vào công trình.

Điều 7. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng

7.1. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi Bên A (Chủ đầu tư)

Chủ đầu tư được quyền tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu Bên B:

  • Không thực hiện công việc đúng tiến độ mà không phải do lỗi của Chủ đầu tư.
  • Giao thầu phụ toàn bộ dự án hoặc chuyển nhượng hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của Chủ đầu tư.
  • Bị phá sản, vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản.

7.2. Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng bởi Bên B (Đơn vị thi công)

Bên B được quyền tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu Chủ đầu tư:

  • Không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng này.
  • Yêu cầu tạm ngừng thi công bị kéo dài quá 45 ngày.
  • Bị phá sản, vỡ nợ, bị đóng cửa, bị quản lý tài sản.
  • Vi phạm luật Dân Sự, Thương Mại, luật Xây Dựng hiện hành hoặc yêu cầu trái với thuần phong mỹ tục mà Nhà nước không cho phép.

7.3. Thanh toán sau khi chấm dứt hợp đồng

Ngay khi thông báo chấm dứt hợp đồng có hiệu lực, Chủ đầu tư xem xét đồng ý hoặc xác định giá trị của công trình, vật tư, vật liệu, tài liệu của Bên B và các khoản tiền phải thanh toán cho Bên B cho các công việc đã thực hiện đúng theo Hợp đồng.

Chủ đầu tư có quyền thu lại các phí tổn do hư hỏng, mất mát mà Chủ đầu tư phải chịu sau khi tính đến bất kỳ một khoản nợ nào đối với Bên B.

Điều 8. Bảo hành dự án thị công nội thất

Sau khi nhận được biên bản nghiệm thu công trình, hạng mục công trình để đưa vào sử dụng, Bên B phải:

- Thực hiện bảo hành công trình trong thời gian 12 tháng.

- Trong thời gian bảo hành công trình, Bên B phải sửa chữa mọi sai sót, khiếm khuyết do lỗi thi công nội thất bằng chi phí của Bên B. Việc sửa chữa các lỗi này phải được bắt đầu trong vòng không quá 7 ngày sau khi nhận được thông báo của Chủ đầu tư về các lỗi.

Điều 9. Điều khoản chung của mẫu hợp đồng thi công nội thất

- Màu sắc trong bản vẽ gần với màu thực tế khi thi công trong mức kỹ thuật in hiện đại cho phép.

- Hàng đã đặt thi công không được phép trả lại.

- Công trình chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi hai bên cùng ký vào biên bản nghiệm thu.

- Hợp đồng này có giá trị từ ngày ký đến ngày thanh lý hợp đồng.

- Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

- Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh tăng hoặc giảm thì hai bên chủ động thương lượng giải quyết, khi cần sẽ lập phụ lục hợp đồng hoặc biên bản bổ sung hợp đồng.

Hợp đồng này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 (một) bản.

ĐẠI DIỆN BÊN A

(Ký, ghi rõ họ và tên)

ĐẠI DIỆN BÊN B

(Ký, ghi rõ họ và tên)

Mẫu hợp đồng thi công nội thất trọn gói

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------

HỢP ĐỒNG THIẾT KẾ, THI CÔNG NỘI THẤT

Số: [...]

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ Luật Thương mại năm 2005;

Căn cứ vào nhu cầu và năng lực của hai bên.

Hôm nay, ngày […] tháng […] năm […] tại […], chúng tôi ký tên dưới đây gồm có:

Bên giao (Bên A): […]

CMND số: […] cấp ngày: […]/[…]/[…] tại […]

Địa chỉ: […]

Điện thoại: […]

Bên nhận (Bên B): […]

Mã số thuế: […]

Đại diện: Ông/bà […]

Chức vụ: […]

Địa chỉ trụ sở: […]

Điện thoại: […]

Hai bên thống nhất ký hợp đồng thiết kế và thi công nội thất với các điều khoản sau:

Điều 1: Nội dung công việc hợp đồng:

Bên A giao cho Bên B thiết kế nội thất căn nhà tại địa chỉ: […] với diện tích thiết kế là: […]m². với với đơn giá là […] đ/m² và nội dung công việc như sau:

Nội dung công việc: Bên B sẽ thực hiện các việc sau đây

Khảo sát hiện trạng.

  • Thiết kế bản vẽ phối cảnh 3 chiều.
  • Thiết kế mặt bằng bố trí nội thất.
  • Thiết kế chi tiết trần, tường, sàn.
  • Cung cấp hồ sơ chi tiết nội thất (kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, quy cách kỹ thuật).
  • Thiết kế chi tiết hệ thống điện, nước, mạng (nếu có).
  • Thiết kế sân vườn, tiểu cảnh (nếu có).
  • Tổ chức thi công và giám sát (nếu bên A yêu cầu).
  • Thi công theo đúng thiết kế

Hồ sơ thiết kế và Phương thức bàn giao:

Hồ sơ thiết kế nội thất chi tiết gồm:

  • Các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt.
  • Phối cảnh tổng thể công trình.
  • Các chi tiết kiến trúc phục vụ thi công.

Hồ sơ kỹ thuật đầy đủ gồm:

  • Bảng mô tả chi tiết thi công (kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, quy cách kỹ thuật); mã số sơn tường)
  • Các hồ sơ kỹ thuật chi tiết liên quan (điện, nước…).

Phương án được bên A lựa chọn sẽ được in ra với đầy đủ hồ sơ thiết kế nội thất chi tiết và hồ sơ kỹ thuật. Sau đó, bên B thực hiện thi công theo phương án được bên A lựa chọn.

Điều 2: Tiến độ thực hiện hợp đồng:

Bên B sẽ triển khai công việc cho Bên A theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Hồ sơ phác thảo ý tưởng bao gồm:

  • Các mặt bằng bố trí.
  • Thuyết minh ý tưởng.
  • Ảnh minh hoạ.
  • Các mặt bằng bố trí nội thất.
  • Các mặt đứng.
  • Phối cảnh nội thất các phòng.

Thời gian: Muộn nhất là ngày […]

Giai đoạn 2: Hồ sơ thiết kế (Bao gồm hồ sơ nội thất và Hồ sơ kỹ thuật) bao gồm:

  • Các mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt.
  • Phối cảnh tổng thể công trình.
  • Các chi tiết kiến trúc phục vụ thi công.
  • Bảng mô tả vật liệu thi công.
  • Các hồ sơ kỹ thuật chi tiết liên quan (điện, nước…).

Giai đoạn 3: Thi công

Thời gian thi công là […] ngày kể từ khi bên A ký duyệt thiết kế.

Điều 3: Trị giá hợp đồng:

Đơn giá gói thiết kế: […] VNĐ.

Diện tích thiết kế: […]m²

Đơn giá thi công: […] VNĐ.

Tổng giá trị hợp đồng : […] VNĐ.

Bằng chữ: […] đồng chẵn.

Điều 4: Phương thức thanh toán: (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản).

Bên A thanh toán cho bên B: […]% giá trị hợp đồng khi hợp đồng được ký.

Bên A thanh toán cho bên B: […]% giá trị hợp đồng khi bên B hoàn tất giai đoạn 1 (Thiết kế sơ bộ).

Bên A thanh toán cho bên B: […]% giá trị hợp đồng khi bên B bàn giao bản thiết kế có đầy đủ kích thước theo phương án mà bên A đã chọn.

Bên A thanh toán cho bên B: […]% giá trị hợp đồng còn lại khi bên B thi công xong và được bên A chấp nhận.

Điều 5: Bất khả kháng.

Bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được khả năng cho phép và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.

Các bên cùng thống nhất các sự kiện về thiên tai, bão, lũ lụt, động đất, hỏa hoạn, thảm họa tự nhiên; chiến tranh, khủng bố, rối loạn công cộng, đình công, ách tắc và tê liệt giao thông; các sự kiện khác nằm ngoài sự kiểm soát của một Bên (trừ trường hợp mất khả năng thanh toán hay tình trạng suy giảm tài chính của một Bên); hay sự thay đổi của luật pháp hoặc mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn cấm hoặc hạn chế không xuất phát từ hành vi có lỗi của Bên đó là những sự kiện bất khả kháng.

Trong trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ theo Hợp đồng này do sự kiện bất khả kháng thì không chịu trách nhiệm dân sự trước bên kia.

Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên bị ảnh hưởng trong việc thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên kia để tìm biện pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại.

Trường hợp sự kiện bất khả kháng xảy ra dẫn đến Hợp đồng không thể thực hiện được thì hai bên sẽ cố gắng thảo luận tìm hướng giải quyết trước khi thực hiện thanh lý Hợp đồng.

Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, thời gian thực hiện Hợp đồng sẽ kéo dài bằng thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng cộng thêm 30 (ba mươi) ngày để khắc phục thiệt hại do bất khả kháng.

Điều 6: Tranh chấp và giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện cam kết nêu trong văn bản này được giải quyết trước hết qua thương lượng, hòa giải, nếu hoà giải không thành việc tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.

Điều 7: Tạm dừng và hủy bỏ hợp đồng.

7.1 Tạm dừng hợp đồng:

  • Do lỗi của bên A hoặc bên B gây ra.
  • Do những điều kiện bất khả kháng gây ra: Do các hiện tượng tự nhiên mà hai bên không thể kiểm soát được. Khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra hai bên phải thông báo kịp thời cho nhau.
  • Các trường hợp do sự thỏa thuận của hai bên.

Thời gian và mức đền bù tạm dừng hợp đồng do hai bên thỏa thuận, khắc phục.

7.2 Huỷ bỏ hợp đồng:

Một bên có quyền huỷ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.

Huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết.

Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực từ khi huỷ bỏ.

Điều 8: Quyền hạn và nghĩa vụ của các bên

8.1 Quyền và nghĩa vụ của bên A.

  • Bên A cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ pháp lý, chỉ dẫn khu vực mặt bằng liên quan đến việc thực hiện công việc trong hợp đồng của bên B.
  • Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thiết kế, phê duyệt và thi công xây dựng công trình.
  • Nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện cho bên B theo đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng.

Bên A cử: Ông (Bà) […] làm chủ nhiệm công trình để phối hợp giám sát bên B trong quá trình thực hiện hợp đồng.

8.2 Quyền và nghĩa vụ của bên B.

  • Thực hiện các nội dung trong hợp đồng, đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo tiến độ hợp đồng.
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng hồ sơ thiết kế và thi công của đơn vị mình
  • Không tiết lộ thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thiết kế, xây dựng do mình đảm nhận khi chưa được phép của bên A hoặc người có thẩm quyền.
  • Xem xét và giải quyết kịp thời đề nghị của chủ đầu tư về những bất hợp lý trong thiết kế và thi công.
  • Phối hợp với bên A tham gia nghiệm thu các công việc đã thực hiện. Ký biên bản nghiệm thu, hồ sơ hoàn công.
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Khi kết thúc mỗi giai đoạn thiết kế, hai bên sẽ có một buổi làm việc để cùng xem xét các bản vẽ, các sửa đổi nếu có và thông qua hồ sơ. Sau mỗi cuộc họp như vậy sẽ có một danh sách các yếu tố đã được thông qua và các yếu tố cần sửa đổi, danh sách này sẽ do hai bên cùng xác nhận.

Trường hợp hai bên đã thống nhất phương án thiết kế và thi công, nếu bên A có yêu cầu sửa đổi thì bên A phải chịu chi phí phát sinh tương ứng với diện tích sửa đổi và đơn giá ghi trên hợp đồng. Thời gian tiến hành sửa đổi được hai bên thỏa thuận và tính vào thời gian hợp đồng.

Bên B cử ông(bà) […] Chức vụ: […], Điện thoại: […] chịu trách nhiệm liên hệ với bên A khi có yêu cầu.

Điều 9: Điều khoản chung

Thời hạn hiệu lực hợp đồng: Được tính hiệu lực từ ngày ký và sẽ hết hiệu lực khi hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng. Bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra tranh chấp hai bên sẽ chủ động thương lượng giải quyết.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có sự thay đổi về giá cả thì phải làm thanh quyết toán bổ sung theo giá mới tại thời điểm thực hiện.

Bên B phải cung cấp cho bên A toàn bộ các tài liệu cần thiết để thực hiện các dự án đã được hai bên nhất trí. Tuy nhiên, bên B sẽ giữ bản quyền tác giả đối với tất cả các tài liệu đã cung cấp cho bên A. Bên A không có quyền sử dụng các tài liệu được cung cấp (bản vẽ, văn bản …) vào bất cứ một dự án nào khác ngoài khuôn khổ dự án này.

Hai bên thống nhất thực hiện đúng và đầy đủ nội dung các điều khoản của hợp đồng này

Hợp đồng được lập thành 02 bản có giá trị như nhau mỗi bên giữ 01 bản làm căn cứ khi thanh toán.

Đại diện bên A

(Ký, ghi rõ họ và tên)

Đại diện bên B

(Ký, ghi rõ họ và tên)

Lưu ý về hợp đồng thi công nội thất:

  • Hợp đồng phải được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản;
  • Nếu có bổ sung hoặc thay đổi các điều khoản trong hợp đồng thì 2 bên cần thương lượng và cùng sửa;
  • Tuyệt đối không tự ý thêm bớt hay chỉnh sửa nội dung trên mọi hình thức;
  • Nên công chứng, chứng thực để xác định tính pháp lý cho hợp đồng.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn