Khu công nghiệp hỗ trợ là gì? (Vai trò, mục tiêu và quy định liên quan)

Đóng vai trò không hề nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ luôn được nhắc đến với vai trò là "trợ thủ" đắc lực của các dự án khu công nghiệp quy mô lớn.

Tại các quốc gia phát triển, các trung tâm công nghiệp luôn có sự phân công rõ rệt đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù ngành nghề sản xuất, kinh doanh giữa khu công nghiệp và khu công nghiệp hỗ trợ hoàn toàn khác biệt, tuy nhiên lại có mối quan hệ mật thiết, cả 02 cùng hỗ trợ cho nhau để phát triển bền vững.

Khu công nghiệp hỗ trợ là gì?

Khu công nghiệp hỗ trợ (tiếng Anh là Supporting Industrial Zone hoặc Supporting Industrial Area), đây là cách gọi chung cho khu công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ là các ngành sản xuất đầu vào. Ở góc độ hẹp, công nghiệp hỗ trợ là các ngành sản xuất phụ tùng linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ở góc độ rộng hơn, công nghiệp hỗ trợ được hiểu như toàn bộ các ngành tạo ra các bộ phận của sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc, thiết bị hay những yếu tố vật chất nào khác góp phần tạo thành sản phẩm.

Vai trò của khu công nghiệp hỗ trợ

  • Loại hình khu công nghiệp này tạo động lực, hỗ trợ cho khu công nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá.
  • Khu công nghiệp hỗ trợ có hiệu quả tạo điều kiện thu hút được đầu tư nước ngoài và tạo tăng trưởng bền vững.
  • Khu công nghiệp hỗ trợ là mắt xích quan trọng đối với phát triển kinh tế công nghiệp tổng thể chứ không chỉ là cung cấp sản phẩm đầu vào.
  • Tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý hiện đại và kích thích sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nước
  • Tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động tại khu vực
  • Thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng và là hạt nhân hình thành đô thị mới
  • ...

Mục tiêu phát triển khu công nghiệp hỗ trợ

  • Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ nhằm cụ thể hóa và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ trong từng thời kỳ.
  • Hình thành liên kết sản xuất giữa các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đổi mới cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài; chuyển giao công nghệ, kỹ năng sản xuất tiên tiến, hiện đại thông qua hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Khu công nghiệp hỗ trợ 1

Các quy định đối với khu công nghiệp hỗ trợ

Tại Việt Nam, nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới hoặc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khu công nghiệp thuộc quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ theo quy định.

Khác với đất khu công nghiệp, đất trong khu công nghiệp hỗ trợ sẽ được nhà nước bàn giao cho nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Theo Nghị định Số: 82/2018/NĐ-CP, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đã có hạ tầng trong khu công nghiệp hỗ trợ được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với đầu tư vào khu công nghiệp. Ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề theo quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư theo quy định.

Quy định đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

  • Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp xác định cụ thể các ngành, nghề công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định của Chính phủ về các ngành, nghề công nghiệp hỗ trợ
  • Tỉ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê trong khu công nghiệp
  • Loại hình khu công nghiệp hỗ trợ được nhà đầu tư cam kết cụ thể trong hồ sơ dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

Khu công nghiệp hỗ trợ 2

Chính sách khuyến khích dành cho chủ đầu tư cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp kinh doanh

- Đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

  • Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai; cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm
  • Ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn ưu đãi ODA cho vay lại, xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ để huy động vốn ngoài nước và thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, tín dụng và pháp luật có liên quan
  • Được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia để kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư.

- Đối với dự án kinh doanh sản xuất trong khu công nghiệp hỗ trợ

  • Được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các hỗ trợ khác theo quy định pháp luật về thuế, phát triển công nghiệp hỗ trợ và pháp luật khác có liên quan;
  • Trường hợp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện thủ tục xác nhận ưu đãi trong thời gian tối đa là 30 ngày;
  • Ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chương trình khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Tại các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ đang phát triển rất khả quan, phần lớn đều ra đời liền sau các dự án khu công nghiệp và được thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc biệt ở các vùng công nghiệp cụ thể, mỗi địa phương đang quy hoạch diện tích đất khá lớn để thu hút phát triển khu công nghiệp hỗ trợ đắc lực cho các ngành nghề chính của vùng.

Khu công nghiệp hỗ trợ 3

>>>> Xem thêm:

Đánh giá của bạn