Nhà ở xã hội giá rẻ nhưng người mua vẫn "còng lưng" trả nợ hàng chục năm

Đối với người có thu nhập thấp, việc sở hữu một ngôi nhà có thể đáp ứng cơ bản mục đích an cư là điều đáng mơ ước. Thế nhưng nhà ở xã hội giá rẻ lại cũng chính là nguy cơ đẩy họ vào cảnh nợ nần.

Nhà ở xã hội là gì? Đây là loại hình bất động sản được đặt ra những yêu cầu và điều kiện riêng biệt trong xây dựng cũng như giao dịch, hướng tới đối tượng là người dân không mạnh về tài chính, cần được hỗ trợ để có thể sở hữu nhà ở. Những tưởng việc mua nhà với nhiều chính sách thuận lợi sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp, nào ngờ chỉ vì hai chữ “tiến độ”, hàng trăm gia đình phải “còng lưng” trả nợ vì nhà ở xã hội.

Luẩn quẩn trong vòng “vay - trả”

Thực tế, gọi là nhà ở giá rẻ nhưng hầu hết người mua đều phần lớn “nương cậy” vào chính sách cho vay từ ngân hàng, hoặc có người còn phải chạy vạy thêm họ hàng, người thân trong gia đình may ra mới gom góp đủ.

Ký kết hợp đồng, giao tiền cho chủ đầu tư kèm theo lời hứa hẹn bàn giao nhà chỉ sau vài tháng, người mua mong ngóng từng ngày được “dọn về nhà mới”. Thế nhưng qua mấy “mùa hẹn”, những gì họ nhận được chỉ vẫn là cảnh ngổn ngang nơi công trình với hơn 70% căn nhà “chưa đâu vào đâu”. Nhà chưa có, tiền vay phải trả, tiền thuê trọ hàng tháng vẫn đóng đều, đồng lương ít ỏi của nhiều hộ gia đình khiến họ không biết phải xoay sở ra sao, mượn chỗ này đắp chỗ kia, rồi thì nợ vẫn hoàn nợ.

nhà ở xã hội chậm tiến độ

Một khách hàng cho biết, gia đình anh từ chỗ đủ ăn lại thành ra túng thiếu vì bị “chôn chân” bởi nhà ở xã hội giá rẻ. Rẻ đâu chưa thấy, chỉ thấy tiến độ trễ hẹn cũng ngót nghét 2 năm, kéo theo bao khoản tiền vay, tiền lãi phát sinh. Với tổng thu nhập 14 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, chi trả hết cũng chỉ còn trong tay khoảng 2 triệu đồng, thật chẳng biết phải ăn uống, sinh hoạt ra sao!

Kém may mắn hơn, nhiều hộ “hết cách”, không biết chạy đâu cho ra tiền trong thời gian khắc khoải đợi nhà nên “dại dột” tìm đến cho vay nặng lãi. Thế là thanh toán kịp tiền lãi ngân hàng thì lại bị nhóm giang hồ săn lùng, đội  khoản tiền vay lên con số gấp đôi. Vợ chồng phải khăn gói về quê vay mượn họ hàng để “sống yên ổn”.

Nhiều khách hàng khi được hỏi tại sao không thanh lý hợp đồng, tìm đến lựa chọn khác thì ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẩm. Dù có thanh lý thì cùng chẳng đủ để lấp vào số nợ, “tiến thoái lưỡng nan”, chỉ biết bám theo chủ đầu tư mà chờ đợi. Thậm chí, nhiều khách hàng đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, mọi vốn liếng hầu như đều đổ hết vào mơ ước nhà xã hội giá rẻ.

Người mua rất cần sự hỗ trợ

Các khách hàng là nạn nhân của dự án chậm tiến độ đã kéo tới gặp chủ đầu tư thậm chí là chính quyền địa phương để mong nhận được phương án giải quyết kịp thời, nhanh chóng giúp họ thoát khỏi tình cảnh hiện tại.

Quanh đi quẩn lại vẫn là những câu trả lời quen thuộc từ phía chủ đầu tư. Việc chậm bàn giao nhà xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng không có nguyên nhân nào là của chủ đầu tư cả, đều là: do thay đổi về chính sách, do quá trình rà soát, do thủ tục,... Các chủ đầu tư cũng rất “sẵn lòng” chịu trách nhiệm bồi thường với số tiền chỉ từ 1 - 2 triệu đồng mỗi tháng, chẳng “thấm tháp” vào đâu so với khoản nợ mà người mua đang gánh.

người dân mong muốn hỗ trợ để mua nhà ở xã hội

Phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, câu trả lời cũng chỉ là sự phối hợp đốc thúc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Còn những khúc mắc, tranh chấp phát sinh giữa người mua và chủ đầu tư có lẽ phải cần đến sự can thiệp của tòa án.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) - Ông Lê Hoàng Châu nhận định, hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội nước ta đang tồn tại rất nhiều điểm yếu. Trong số đó, phải kể đến nguồn vốn tín dụng, tái cấp vốn và cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia nhà ở xã hội. Sau đó là chính sách tín dụng đối với nhà ở xã hội.

Theo các quy định hiện hành, người mua muốn vay vốn phải có số tiền tiết kiệm hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng. Quan điểm của ông Châu là nên để khoản tiền gửi này được hưởng lãi suất bằng lãi suất thông thường ở các ngân hàng thương mại khác và ấn định số tiền gửi không quá 1 triệu đồng/tháng để phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Xét lâu dài, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội cũng nên giảm xuống ở mức 3 - 3,5% như chính sách nhà ở xã hội một số quốc gia trên thế giới. 

Nhà ở xã hội mở ra nhiều hi vọng cho người có mức tài chính hạn hẹp, thế nhưng giờ đây lại trở thành gánh nặng, chưa kể đến những dấu hiệu trục lợi từ nhà ở xã hội càng khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận với sản phẩm hơn. Rơi vào tình thế “đâm lao phải theo lao”, nhiều người mua đến giờ vẫn chờ đợi ngôi nhà của mình trong thấp thỏm và áp lực.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn