Những chiêu lừa đảo thuê mặt bằng kinh doanh bạn cần nắm

Lợi dụng nhu cầu thuê mặt kinh doanh ngày một lớn, những kẻ làm ăn bất chính đã tung chiêu lừa đảo khiến người đi thuê mặt bằng phải ôm cái kết đắng. Điều đáng nói chính là những chiêu lừa đảo thuê mặt bằng kinh doanh ngày càng tinh vi, người thuê bằng mắt thường và cảm quan khó mà nhận ra được.

1. “Treo đầu dê, bán thịt chó”

Thời đại internet cho phép người người, nhà nhà tìm kiếm tất tần tật thông tin trên mạng một cách đơn giản và tiện lợi. Trong đó có cách tìm mặt bằng kinh doanh trên điện thoại và máy tính, chỉ cần lướt màn hình khoảng 1 phút thì có hàng ngàn kết quả trả về để chúng ta lựa chọn. Đây là sự tiện lợi nhưng đồng thời cũng là sự thách thức.

Những chiêu lừa đảo thuê mặt bằng kinh doanh bạn cần nắm 1

Quảng cáo một nơi, cho thuê một nẻo

Tại sao gọi đó là sự thách thức? Bởi vì giữa hàng ngàn các thông tin, chúng ta không thể biết đâu là thông tin thực và đâu là thông tin giả. Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin cho thuê mặt bằng với những lời lẽ quảng cáo rất hấp dẫn như mặt bằng ở mặt tiền, đông người qua lại nhưng thực tế lại là một nơi heo hút, không có mấy ai đi qua.

Ngoài lừa đảo về vị trí, nhiều thông tin quảng cáo còn lừa chúng ta về giá cả, diện tích, tính pháp lý của mặt bằng… Trong đi tất cả những yếu tố đó lại là tiêu chí để lựa chọn mặt bằng kinh doanh giúp việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi.

Do vậy, để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, người thuê phải đến tận nơi xem, kiểm tra, hỏi thăm những người xung quanh… trước khi tiến hành ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh. Không đặt cọc trước bất cứ khoản nào, không vì lý do gì để giữ chỗ. Bởi vì số tiền cọc đó rất có thể sẽ không lấy lại được nếu chúng ta sau khi xem mặt bằng xong và không ưng ý.

2. Thuê mặt bằng đã có chủ

Đối tượng thực hiện “phi vụ” này thường là thành phần môi giới. Đầu tiên, họ sẽ đăng tin cho thuê mặt bằng kinh doanh với những lời quảng cáo hấp dẫn về vị trí, tiềm năng và giá cả. Khi có người liên hệ, họ sẽ dẫn đến xem mặt bằng đúng như yêu cầu.

Người xem lúc này tỏ ra khá ưng ý nhưng bên môi giới chưa vội làm hợp đồng. Chúng nói người thuê phải đặt cọc trước, khi nào đến thuê mới làm hợp đồng. Bên môi giới làm giấy viết tay xác nhận đã nhận cọc bao nhiêu tiền để làm tin. Đi kèm với đó là dòng chữ “nếu không thuê thì bên thuê sẽ mất tiền cọc”.

Những chiêu lừa đảo thuê mặt bằng kinh doanh bạn cần nắm 2

Lừa đảo người thuê bằng mặt bằng đã có chủ

Tin tưởng vào lời lẽ của môi giới, cùng giấy viết tay đã đặt cọc, nhiều người mua tin rằng mình đã thuê được mặt bằng một cách tốt đẹp. Nhưng đến ngày dọn đến mặt bằng thì thấy bên trong mặt bằng đã có người thuê. Tìm hiểu ra thì mới biết mình bị bên môi giới lừa.

Nhưng làm cách nào đây? Số điện thoại liên lạc với môi giới đã “thuê bao”. Địa chỉ của người môi giới thì mình không biết. Giấy đặt cọc chỉ là tờ giấy viết tay không có hiệu lực pháp lý. Vậy là tiền mất mà mặt bằng kinh doanh thì không có, đành phải đi tìm mặt bằng lại từ đầu trong sự ấm ức không sao diễn tả được.

3. Thuê mặt bằng thuộc diện quy hoạch

Lỗi này thuộc hoàn toàn về phía người đi thuê, đó là khi thuê mặt bằng mà không tìm hiểu kỹ thông tin. Để từ đó, những kẻ lừa đảo mới có cơ hội làm ăn bất chính.

Có rất nhiều trường hợp, người thuê theo địa chỉ quảng cáo để tìm đến những nơi có mặt bằng cho thuê đáp ứng được nhu cầu. Sau khi trao đổi, thống nhất giá cả, thời gian thuê thì 2 bên tiến hành làm hợp đồng. Có lẽ trong quá trình thương lượng, người thuê không cảm thấy có điều gì bất thường nên đã vội vàng ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mà không mảy may suy nghĩ.

Nhưng rồi một thời gian sau mới tá hỏa nhận ra, mặt bằng mình thuê thuộc diện quy hoạch, hoặc sắp giải tỏa, hoặc đang tranh chấp… Nói chung là không thể tiến hành kinh doanh. Thậm chí người thuê còn vướng phải những rắc rối về thủ tục pháp lý do thuê phải mảnh đất không hợp pháp.

Do vậy, trước khi ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh, phải tìm hiểu kỹ thông tin xem khu vực định thuê có thuộc khu vực giải tỏa hay xảy ra tranh chấp gì không. Nếu có, tuyệt đối không mang họa vào thân.

Những chiêu lừa đảo thuê mặt bằng kinh doanh bạn cần nắm 3

Cẩn thận sập bẫy thuê mặt bằng ở khu vực sắp giải tỏa

3. Thuê mặt bằng ở những khu vực có nhiều hạn chế

Ở mỗi khu vực sẽ có những quy định khác nhau về cách thức kinh doanh và thời gian hoạt động. Ví dụ có những nơi cấm lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, trong khi mục đích chính của người kinh doanh khi thuê mặt bằng này là để kinh doanh ở mặt đường. Hay có những nơi quy định thời gian kinh doanh, không được kinh doanh quá khuya, nhưng lĩnh vực bạn định kinh doanh lại hoạt động chính vào buổi tối…

Nhưng khi được hỏi người cho thuê, họ lại giấu nhẹm chuyện này. Mặc dù họ biết những điều này ảnh hưởng đến chuyện kinh doanh của bạn, nhưng vì nóng lòng muốn có người thuê, họ đã lừa bạn để bạn quyết định thuê. Suy cho cùng, lỗi này không chỉ thuộc về người cho thuê cố tình lừa bạn, mà còn là lỗi của bạn không chịu tìm hiểu thật kỹ trước khi thuê.

Có thể nói, mặt bằng kinh doanh quyết định đến sự thành bại của hoạt động kinh doanh, do vậy bạn phải chọn thật kỹ trước khi ký hợp đồng thuê. Nắm rõ các chiêu lừa đảo thường thấy khi thuê mặt bằng sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm “vàng” trong việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn