Chi tiết Quy hoạch và bản đồ đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

Tổng hợp các thông tin quy hoạch và bản đồ đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh mới nhất; thuận tiện cho bạn đọc tìm hiểu và nghiên cứu chi tiết.

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và được điều chỉnh từ năm 2013, đường Vành đai 3 là Dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản; Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị thực hiện.

Đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

Đường Vành đai 3 được xem như dự án có ý nghĩa to lớn đối sự phát triển kinh tế cũng như thị trường bất động sản phía Nam. Các thông tin về quy mô, tiến độ của dự án này được rất nhiều người quan tâm và theo dõi.

>>> Chi tiết: Vai trò của đường vành đai 3 đối với bất động sản phía Nam

Dưới đây là một số thông tin tổng hợp về bản đồ đường Vành đai 3 và quy hoạch chi tiết cũng như những ghi nhận về quá trình thực hiện trên thực tế.

Tổng quan quy mô dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là dự án này có tổng chiều dài gần 97,7km, đi qua địa phận các tỉnh, thành gồm: Long An, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, quy mô đề xuất 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp ở hai bên, quy hoạch thành đường cao tốc đô thị cho xe lưu thông với vận tốc 100km/h.

Tổng quan quy mô đường Vành đai 3 Tp.HCM

Toàn dự án được triển khai theo 4 giai đoạn thi công:

  • Đoạn 1: Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, dài 34,3 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (đường vành đai 3 Nhơn Trạch) và Tp.Hồ Chí Minh (đường vành đai 3 Tp. HCM)
  • Đoạn 2: Đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (đường vành đai 3 Bình Dương), dài 16,7 km. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng theo hình thức PPP và về cơ bản đã đưa vào khai thác.
  • Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
  • Đoạn 4: Đoạn Bến Lức – quốc lộ 22 dài 28,9 km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Tổng vốn đầu tư đường vành đai 3 là 55.805 tỉ đồng (không bao gồm kinh phí các cầu vượt) ở thời điểm công bố quy hoạch năm 2011. Dự án sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ và vốn ODA.

Quy hoạch và bản đồ đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh theo từng đoạn

Quy hoạch Vành Đai 3 đoạn Nhơn Trạch

Giai đoạn 1 chia thành 2 dự án thành phần 1A và 1B

  • Dự án thành phần 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) dài 8,75km. Sau khi được Chính phủ chấp thuận sẽ đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn với Chính phủ Hàn Quốc và triển khai theo kế hoạch.
  • Dự án thành phần 1B (từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội) dài 8,96km, đầu tư theo hình thức BOT.

Giai đoạn 2 chia thành hai dự án thành phần 2A và 2B, dài 16,59km

  • Đoạn 2A (từ cao tốc Bến Lức – Long Thành đến tỉnh lộ 25B) dài 5,39km, dự tính có phương án bổ sung vào dự án thành phần 1B.
  • Đoạn 2B (từ nút giao Lê Văn Việt đến nút giao Tân Vạn) dài 11,2km, đang thực hiện kêu gọi các nguồn vốn đầu tư.

Quy hoạch chi tiết đoạn Nhơn Trạch

Quy hoạch Vành Đai 3 đoạn Nhơn Trạch

Đường Vành đai 3 – thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tại Km 38 + 500 lý trình đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (khu vực Nhơn Trạch); hướng lên phía Bắc vượt sông Đồng Nai tại cầu Nhơn Trạch đi sang quận 9.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn Đồng Nai, tỉnh đã tính toán đến việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, bố trí di dời dân bị thu hồi đất. Theo đó, gần 50 ha đất thuộc địa phận 2 cộng đồng Long Tân và Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch được thu hồi để làm dự án.

Quy hoạch Vành Đai 3 đoạn Quận 9

Tại quận 9, đường Vành Đai 3 bắt đầu từ cầu Nhơn Trạch – Quận 9, đi qua Khu dân cư đô thị tại phường Long Trường (đánh dấu số 1 ở hình dưới) hướng lên phía bắc về hướng đường cao tốc, giao cắt đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (tại khoảng Km 8 + 772).

Sau đó tiếp tục đi về hướng bắc ngang qua các khu vực được đánh số từ 2 đến 12 theo hình bên dưới. Các khu vực 2, 5, 6 tiếp giáp và nằm bên trái đường Vành Đai 3. Các khu vực 3. 4. 7, 8 tiếp giáp và nằm bên phải đường Vành Đai 3.

Quy hoạch Vành Đai 3 đoạn Quận 9

Từ khu vực số 9, đường Vành Đai 3 rẽ hướng Đông Bắc vượt rạch Gò Công đi theo đường Nguyễn Xiển qua các khu vực 10, 11, 12. Cuối cùng, đường Vành Đai 3 giao cắt quốc lộ 1A (xa lộ Hà Nội) tại Khu vực Tân Vạn. Kết thúc đoạn đường Vành Đai 3 tại quận 9.

Công tác bồi thường và sơ tán ở đoạn này gặp khá nhiều khó khăn. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa công bố thu hồi đất, việc tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, tổng điều tra, xác lập tình trạng pháp lý của khu đất ... mất khá nhiều thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng.

Quy hoạch đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (Bình Dương)

  • Sau khi đi hết quận 9, đường Vành đai 3 đi tới địa phận Tân Vạn tỉnh Bình Dương
  • Điểm đầu giao cắt quốc lộ 1A tại khu vực Tân Vạn, tuyến đi trùng đường Tân Vạn – Mỹ Phước (dài 16,3 km đi trên cao), đến Bình Chuẩn tuyến rẽ trái giao quốc lộ 13 (tại Km 14 + 200 – lý trình Quốc lộ 13) tại thành phố Thủ Dầu Một,
  • Điểm cuối vượt sông sài Gòn tại vị trí cách cảng Bà Lụa hiện hữu về phía hạ lưu khoảng 500m (xây dựng mới cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn). Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với quy mô 6-8 làn xe, xây dựng trước năm 2020.

đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn

Bản đồ đường Vành đai 3 đoạn Quốc lộ 22 – Bình Chuẩn

  • Sau khi đi qua Bình Chuẩn, Thủ Dầu 1 và vượt sông Sài Gòn qua cầu Bình Gởi, đường Vành Đai 3 đi về hướng Tây, hướng về phía quốc lộ 22.
  • Đường Vành đai 3 giao cắt quốc lộ 22 tại huyện Hóc Môn (Khu công nghiệp Tân Hiệp) tại lý trình Km 8 + 800 theo lý trình quốc lộ 22.

đường Vành đai 3 đoạn Quốc lộ 22 – Bình Chuẩn

Bản đồ đường Vành đai 3 đoạn Bến Lức – Quốc lộ 22

Sau khi qua quốc lộ 22, đường Vành Đai 3 đi về hướng Nam song song Kênh An Hạ, qua Khu công nghiệp Mỹ Yên – Tân Bửu về điểm cuối giao với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

đường Vành đai 3 đoạn Bến Lức – Quốc lộ 22

Ý nghĩa của dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

Từ bản đồ đường vành đai 3 và bản đồ quy hoạch đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh có thể thấy, tuyến đường này mang ý nghĩa huyết mạch đối với khu vực, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển văn hóa - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

  • Đây là con đường kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, quyết định sự hình thành, phát triển và hiệu quả các liên kết vùng.
  • Trong tương lai, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ trở thành các thành phố vệ tinh của Tp. Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 sẽ là cầu nối quan trọng giữa vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh ĐBSCL (qua cửa ngõ Long An).
  • Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho các huyện thuộc Tp. Hồ Chí Minh
  • Rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh trọng điểm như Đồng Nai, Long An và Bình Dương.
  • Tăng khả năng kết nối các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng lõi của khu vực Đông Nam Bộ.
  • Đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh cũng như các thành phố vệ tinh xung quanh theo quy hoạch vùng đang được triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa các tỉnh Đông Nam Bộ.

Tiến độ dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

Tháng 08/2021 vừa qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi cho các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận về việc triển khai đầu tư đối với dự án đường Vành đai 3.

Theo đó, UBND xin ý kiến thống nhất của các tỉnh về một số nội dung liên quan đến đường Vành đai 3, nhằm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các dự án thành phần nên xem xét phân chia thành các tiểu dự án gồm:

  • Dự án Giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh (bao gồm phần tuyến và nút giao);
  • Dự án Ðầu tư xây dựng phần đường song hành;
  • Dự án Ðầu tư xây dựng đường nối (tuyến nối vào KCN Ông Kèo - tỉnh Ðồng Nai, tuyến nối với nút giao Thủ Ðức - TP HCM).

Trách nhiệm thực hiện các dự án thành phần xây dựng đường song hành (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh) trên địa bàn thuộc về UBND các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Long An theo địa phương mình quản lý.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như để kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 2, UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Long An có văn bản thống nhất giao UBND Tp. Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án Ðầu tư đường Vành đai 3. Bên cạnh đó, có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải tại Công văn 7770 ngày 29-7-2021 và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.

UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan gửi UBND các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Long An; tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.

Về phía Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị này đã kiến nghị nhà tài trợ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đấu thầu dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án Vành đai 3 để kịp khởi công trong năm nay.

Được biết, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải, mucjd đích làm việc với nhà tài trợ vốn ODA cho dự án - Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã lập xong hồ sơ mời thầu xây lắp, tư vấn giám sát trước đó. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiểm tra. Hiện vẫn đang chờ phản hồi từ các đơn vị liên quan.

Các thông tin về bản đồ đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, tiến độ xây dựng vẫn được cập nhật liên tục. Quý bạn đọc nên thường xuyên theo dõi để có cái nhìn đầy đủ nhất về dự án trọng điểm này.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn