Toàn bộ thông tin quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh (Mới nhất)

Tổng hợp toàn bộ các thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh mới nhất hiện nay.

Tp. Hồ Chí Minh có đồ án quy hoạch đầu tiên vào năm 1993, điều chỉnh vào năm 1998 và sau đó là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung năm 2020. Gần đây nhất, thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng, tầm nhìn đến năm 2025.

Liên quan đến quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều sự quan tâm và tìm kiếm. Nhằm hỗ trợ bạn đọc có cái nhìn tổng quan nhất về quy hoạch thành phố, bài viết xin được tổng hợp một số thông tin mới nhất theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng quan quy hoạch Tp.HCM

Tổng quan về quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh

Phạm vi nghiên cứu và lập điều chỉnh Quy hoạch

  • Phạm vi nghiên cứu gồm 8 tỉnh, thành phố trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 30.404 km2.
  • Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 2.095 km2.

Tính chất, mục tiêu và quan điểm phát triển

Tính chất:

Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.

Quan điểm:

  • Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế;
  • Phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường;
  • Phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc; phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn của đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Mục tiêu phát triển:

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á.

Vị trí, vai trò và định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với các đô thị của Vùng thành phố Hồ Chí Minh:

  • Là đô thị trung tâm của Vùng thành phố Hồ Chí Minh, bố trí và hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí, thể dục thể thao,... của Vùng;
  • Định hướng phát triển các ngành công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông.
  • Định hướng phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không để trở thành đầu mối giao thông trong Vùng và kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế.

Quy mô dân số và đất đai

  • Dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người;
  • Dân số khu vực nội thành khoảng 7,0 - 7,4 triệu người;
  • Dân số ngoại thành khoảng 2,6 - 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).
  • Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000 - 100.000ha, trong đó khu vực nội thành khoảng 49.000ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000ha.

Mô hình phát triển và các chỉ tiêu chính

Mô hình phát triển thành phố: theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển, cụ thể gồm:

  • Phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển;
  • Phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam;
  • Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi;
  • Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các chỉ tiêu chính:

  • Khu vực nội thành hiện hữu đất: đất xây dựng đô thị: 31,6 m2/người; đất ở: 13,1 m2/người; đất cây xanh: 2,4 m2/người; đất công trình công cộng: 2,9 m2/người.
  • Khu vực nội thành phát triển đất mới: đất xây dựng đô thị: 104 m2/người; đất ở: 38,4 m2/người; đất cây xanh: 7,1 m2/người; đất công trình công cộng: 4,6 m2/người;
  • Khu vực đô thị tại các huyện ngoại thành: đất xây dựng đô thị: 110 m2/người; đất ở: 50 m2/người; đất cây xanh: 12 m2/người; đất công trình công cộng: 5 m2/người.

Định hướng quy hoạch không gian Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025

Hướng phát triển của không gian thành phố

Khu đô thị trung tâm của thành phố là khu vực nội thành hiện hữu, khu đô thị mới Thủ Thiêm và mở rộng phát triển theo các hướng như sau:

  • Hướng chính phía Đông: hành lang phát triển là tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và dọc tuyến xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị;
  • Hướng chính phía Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Hữu Thọ với điều kiện địa chất thủy văn đặc biệt, nhiều sông rạch, có khả năng phát triển về quỹ đất đô thị và điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố;
  • Hướng phụ phía Tây – Bắc: hành lang phát triển là tuyến quốc lộ 22 (xa lộ Xuyên Á) với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị;
  • Hướng phụ phía Tây, Tây – Nam: hành lang phát triển là tuyến Nguyễn Văn Linh với điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị có giới hạn; tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu, thoát nước của thành phố.

Quy hoạch phân vùng phát triển TPHCM

  • Vùng phát triển đô thị gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới, thị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới phát triển;
  • Vùng phát triển công nghiệp được phát triển tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè;
  • Vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ…;
  • Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ;
  • Các khu dân cư nông thôn được phát triển tại xã Bình Mỹ, Hòa Phú, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Thái Mỹ, Trung An, Phú Mỹ Hưng, Tân Thạnh Đông, Phú Hòa Đông, An Phú, Phạm Văn Cội, Nhuận Đức thuộc huyện Củ Chi; xã Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn, Tân Hiệp, Đông Thạnh, Nhị Bình, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Đông thuộc huyện Hóc Môn; xã Phạm Văn Hai, Bình Lợi, Tân Nhựt, Quy Đức, Đa Phước, Hưng Long, Lê Minh Xuân, Tân Quy Tây, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh; phía Tây xã Phước Lộc và Nhơn Đức huyện Nhà Bè; xã Bình Khánh, Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ;
  • Vùng bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt gồm vùng bảo tồn và phục hồi sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng đặc dụng phòng hộ tại huyện Củ Chi, Bình Chánh.

Phân khu chức năng

Khu nội thành cũ: gồm 13 quận nội thành hiện hữu, với tổng diện tích khoảng 14.200ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 4,5 triệu người;

Nguyên tắc phát triển:

  • Cải tạo, chỉnh trang hiện trang, xác định về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng phù hợp với từng khu chức năng, từng khu vực.
  • Trên cơ sở kết hợp giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa và các công trình kiến trúc có giá trị, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới giao thông, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đô thị, từng bước hạ ngầm các đường dây kỹ thuật (cáp điện, thông tin liên lạc) bố trí, sắp xếp vào trong hào kỹ thuật;
  • Xây dựng mạng lưới các công trình phúc lợi; giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch và khu phố; di chuyển các xí nghiệp công nghiệp và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể:

  • Khu nội thành cũ có trung tâm tổng hợp chính nằm trên địa bàn các quận 1, quận 3, một phần quận 4, Bình Thạnh với chức năng hành chính, văn hóa, lịch sử, du lịch và dịch vụ đa ngành có quy mô 930ha;
  • Khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan, cần rà soát, giữ nguyên các công trình, biệt thự có kiến trúc đặc thù có giá trị tại khu trung tâm tổng hợp chính hiện hữu tại quận 1, quận 3, một phần quận 4; khu vực Bà Chiểu (Bình Thạnh), khu vực Chợ Lớn (quận 5 và quận 6) có quy mô khoảng 120ha.
  • Các khu vực còn lại quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây dựng mới một số ô phố theo hướng không tăng dân số, tầng cao phù hợp và giảm mật độ xây dựng, để dành quỹ đất phát triển các công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh, có quy mô khoảng 13.150ha.

Khu nội thành phát triển: gồm 6 quận mới, với tổng diện tích khoảng 35.200ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,9 triệu người.

Nguyên tắc phát triển khu vực:

  • Tập trung đầu tư xây dựng các khu đô thị có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình đường dây, đường ống phải được bố trí trong tuyến hoặc hào kỹ thuật.
  • Hướng Đông - Bắc với hạt nhân khu công nghệ cao có quy mô 872 ha, Khu Đại học quốc gia có quy mô 800ha (trong đó diện tích đất thuộc Tp. Hồ Chí Minh khoảng 200ha), công viên văn hóa - lịch sử - dân tộc có quy mô 395ha và một số khu chức năng khác, hình thành khu đô thị khoa học - công nghệ tại quận 9 và Thủ Đức.
  • Hướng Bắc phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô khoảng 1.000ha tại quận 12;
  • Hướng Tây phát triển một số khu dân cư mới thuộc quận Bình Tân có quy mô khoảng 750ha gắn với các khu công nghiệp tập trung;
  • Hướng Nam tập trung phát triển khu đô thị mới Nam thành phố với quy mô khoảng 3000ha theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại địa bàn ngoại thành: gồm 5 huyện ngoại thành, tổng diện tích là 160.200ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 khoảng 2,6 triệu người, trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người.

Nguyên tắc phát triển khu vực:

  • Tập trung đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới và đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới và đầu tư xây dựng một số khu đô thị vệ tinh hiện đại tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành, có mô hình phù hợp với đặc thù địa hình.
  • Xác định quy mô, diện tích và bảo vệ các khu vực đất nông nghiệp không được chuyển đổi chức năng và Quỹ đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của thành phố phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.
  • Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng các khu và cụm công nghiệp tập trung để bảo vệ môi trường.

Các thị trấn trung tâm huyện có quy mô khoảng 5.900ha với dân số khoảng 330.000 người: cải tạo hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng phát triển văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường;

  • Phát triển hai khu đô thị mới quy mô lớn là: khu đô thị Tây - Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn có diện tích khoảng 6.000 ha và Khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 3.900ha (trong đó sông rạch khoảng 1000ha).
  • Hướng Bắc thuộc địa bàn Hóc Môn và Củ Chi phát triển thêm một số dân cư mới gắn với khu vực thị trấn, điểm dân cư nông thôn và các khu công nghiệp tập trung.
  • Hướng Tây thuộc huyện Bình Chánh và hướng Nam thuộc huyện Nhà Bè phát triển một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, bảo vệ hệ thống sông rạch.
  • Bảo vệ quỹ đất của vùng nông nghiệp quy mô khoảng 43.600ha, tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp đất nông nghiệp, đất dự trữ tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Tây thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ;
  • Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng

Các khu - cụm công nghiệp tập trung

  • Di dời các xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; trong Thành phố sẽ không phát triển các cụm công nghiệp mới và có kế hoạch chuyển đổi các cụm công nghiệp lên khu công nghiệp.
  • Tại các khu công nghiệp mở rộng và hình thành mới, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông.
  • Các khu - cụm công nghiệp tập trung: 1 khu công nghệ cao có diện tích 872ha; 20 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất có diện tích 6.020 ha và các cụm công nghiệp địa phương (cũ và mới) có diện tích 1.900ha.

Hệ thống các trung tâm

Trung tâm tổng hợp chính của thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn quận 1, quận 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930ha, mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu Thủ Thiêm, quận 2 có diện tích 737ha.

Các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng như sau:

  • Ở phía Đông vị trí tại phường Long Trường, quận 9 giáp với trục cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có diện tích khoảng 280ha
  • Ở phía Nam thuộc khu A của đô thị mới Tây - Bắc có diện tích khoảng 500ha
  • Ở phía Tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 200ha.
  • Bổ sung một trung tâm khu vực phụ ở phía Bắc tại huyện Hóc Môn có diện tích khoảng 50ha và một ở phía Nam tại huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 50ha, tạo động lực phát triển.

Trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học: ngoài Khu Đại học quốc gia Thành phố, bố trí thêm các trung tâm ở các khu vực:

  • Ở phía Nam, trong Khu đô thị Nam thành phố có diện tích khoảng 130ha và ở huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 115ha;
  • Ở phía Tây thuộc huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 500ha;
  • Ở phía Đông tại quận 9 có diện tích khoảng 200ha;
  • Ở phía Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn có diện tích khoảng 600ha.

Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế: phát triển xây dựng các bệnh viện đa khoa và chuyên ngành tại các khu vực:

  • Khu vực phía Đông trên địa bàn quận 2, quận 9 và Thủ Đức có diện tích khoảng 65ha;
  • Khu vực phía Bắc trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi có diện tích khoảng 260ha;
  • Khu vực phía Tây trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 140ha.

Trung tâm văn hóa, thể thao:

  • Khu lịch sử - văn hóa - dân tộc bố trí tại phía Bắc quận 9 có diện tích khoảng 395ha;
  • Thảo cầm viên, vườn thú bố trí tại huyện Củ Chi có diện tích khoảng 485ha;
  • Trung tâm thể dục thể thao bố trí tại Rạch Chiếc, quận 2 có diện tích khoảng 220ha;
  • Trung tâm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bố trí gắn với sông rạch hồ nước, không gian xanh ở các quận mới và huyện ngoại thành.
  • Các công trình phúc lợi công cộng (giáo dục, y tế, văn hóa, cây xanh, công viên) cơ quan hành chính quản lý nhà nước bố trí gắn với các trung tâm (khu vực) cấp thành phố và trung tâm của quận, huyện.

Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước

  • Đối với các quận nội thành cũ: giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu có diện tích khoảng 200ha. Tận dụng quỹ đất của các cơ sở công nghiệp phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh có diện tích khoảng 250.
  • Bảo vệ quản lý tốt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích khoảng 75.000ha; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 1.500ha, Củ Chi có diện tích khoảng 2.250ha;
  • Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000ha.
  • Dải cây xanh dọc các sông lớn trên địa bàn các huyện, nhiều đoạn, nhiều điểm có chiều rộng lớn, với bề rộng từ 50 - 800m.
  • Đầu tư để hình thành 03 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp đất nông nghiệp bề rộng 2.000 - 3.000m.
  • Đất dự trữ, trồng cây xanh tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ và phía Tây thuộc huyện Bình Chánh.

Các khu vực bảo tồn và cấm xây dựng

  • Cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích khoảng 33.000ha) trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ diện tích khoảng 75.000ha; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi diện tích khoảng 2.250ha và huyện Bình Chánh diện tích khoảng 1.500ha.
  • Cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn cảng hàng không Tân Sơn Nhất; các khu quốc phòng, an ninh;
  • Cấm và hạn chế xây dựng trong khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè;
  • Hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái Thành phố.

Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông TPHCM

Giao thông đối ngoại

Giao thông đường bộ: trục giao thông xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị. Bao gồm:

  • 3 đường vành đai (các vành đai số 2, số 3 và số 4);

>>> Xem thêm: Chi tiết Quy hoạch và bản đồ đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh

  • Các trục hướng tâm đối ngoại:
    • Trục thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu (Xa lộ Hà Nội);
    • Trục thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây;
    • Trục thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (quốc lộ 13);
    • Trục quốc lộ 1K – Bình Phước;
    • Trục thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (2 tuyến);
    • Trục cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Cần Thơ;
    • Trục quốc lộ 1 phía Tây; trục thành phố Hồ Chí Minh – Long An (tỉnh lộ 10);
    • Trục thành phố Hồ Chí Minh – Gò Công (quốc lộ 50);

Giao thông đường sắt quốc gia:

  • Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất (Bắc Nam) khu vực thành phố Hồ Chí Minh đoạn Trảng Bom – Bình Triệu, trong đó xây dựng tuyến tránh Biên Hòa về phía Nam và xây dựng mới đoạn đường sắt trên cao (hoặc đi ngầm) Bình Triệu – Hòa Hưng – Tân Kiên;
  • Xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đi Biên Hòa và Lộc Ninh; tuyến đường sắt đôi điện khí hóa cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang kết nối tại ga Thủ Thiêm dự kiến.
  • Xây dựng mới tuyến đường sắt chuyên dụng từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước. Tổng cộng có 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 226km;

Giao thông đường thủy:

  • Cải tạo, nạo vét để đảm bảo lưu thông cho hai luồng sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp ra biển; bốn luồng sông đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; một luồng đi Bến Súc, đảm bảo đạt tiêu chuẩn sông cấp III;
  • Các cảng biển phải di dời là Tân Cảng, Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, cảng Nhà Rồng và Khánh Hội thuộc cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau quả và cảng Bến Nghé.
  • Đầu tư xây dựng phát triển khu cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước. Tổng công suất cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh dự kiến năm 2020 – 2025 khoảng 200 triệu tấn/năm.

Giao thông đường không:

  • Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới; cải tạo, nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm.
  • Phát triển kết cấu hạ tầng cho sân bay đủ khả năng tiếp nhận các máy bay hiện đại hoạt động 24/24 giờ.
  • Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với công suất 100 triệu hành khách/năm.

Quy hoạch giao thông

Giao thông đối nội

Đường đô thị:

  • Đối với các quận nội thành cũ các trục giao thông giữ nguyên mặt cắt ngang hiện hữu chỉ cải tạo, nâng cấp mặt đường đảm bảo lưu thông cho các loại phương tiện;
  • Đối với các khu đô thị mới tại các quận mới và huyện ngoại thành khi xây dựng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế mặt cắt ngang đường theo cấp và loại đường đô thị. Cụ thể:
  • Nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện các tuyến tỉnh lộ hướng tâm nhằm hỗ trợ cho các trục hướng tâm đối ngoại và hoàn thiện các đường chính nội đô cấp I, II. Xây dựng 4 tuyến đường trên cao.
  • Xây dựng mới 19 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải (trong đó bổ sung cầu Bình Quới, Thanh Đa sang Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và hầm qua sông Sài Gòn (hầm đường bộ và hầm metro).
  • Cải tạo bến, bãi hiện có và xây dựng các bến bãi mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh, đáp ứng yêu cầu đỗ xe.
  • Xây dựng các bến xe tải chuyển tiếp hàng hóa ở cửa ngõ ra vào thành phố với diện tích 243ha.
  • Xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, Chi Lăng; sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Du và Cách mạng Tháng Tám,…. và các bãi đỗ xe cao tầng.

Đường sắt đô thị:

  • Kết hợp sử dụng các tuyến đường sắt quốc gia cho chạy tàu ngoại ô và xây dựng 2 tuyến đường sắt nhẹ: tuyến Trảng Bàng – Tân Thới Hiệp, kết nối tại ga Tân Thới Hiệp; tuyến Thủ Thiêm – Nhơn Trạch – Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối tại ga Thủ Thiêm.
  • Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn hoặc trung bình (MRT/LRT) gồm 06 tuyến với tổng chiều dài khoảng 120 km và 07 khu ga kỹ thuật.
  • Xây dựng 03 tuyến đường sắt đô thị loại hình khác nhau như: xe điện chạy trên mặt đất (tramway), đường sắt một ray tự động dẫn hướng đi trên cao (monorail) với tổng chiều dài 35km và 03 khu ga kỹ thuật.
  • Các nhà ga đường sắt đô thị, đặc biệt các ga ngầm và ga chuyển tàu sẽ kết hợp hình thành các khu trung tâm thương mại – dịch vụ theo quy hoạch đô thị; phát triển các tuyến đường sắt đô thị chuyên chở khối lượng lớn đến khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, đến khu đô thị Tây – Bắc, huyện Củ Chi và ra cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến;

Giao thông đường thủy:

  • Cải tạo, nạo vét để bảo đảm lưu thông cho hai tuyến vành đai thủy đạt tiêu chuẩn kênh sông cấp IV, V.
  • Xây dựng các cảng sông là cảng hàng hóa, gồm cảng Phú Định tại quận 8, cảng Nhơn Đức tại huyện Nhà Bè; cảng hành khách tại quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè.

Tra cứu thông tin quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh

Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được quy định chi tiết đến từng quận, huyện với lượng thông tin khá lớn. Vì vậy, nhằm hỗ trợ người dân tra cứu thông tin quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh được thuận tiện hơn, UBND Thành phố đã chính thức đưa ứng dụng tra cứu quy hoạch vào sử dụng.

Theo đó, mọi người có thể tra cứu quy hoạch trực tuyến Tp. Hồ Chí Minh thông qua ứng dụng này chỉ với một vài thao tác đơn giản.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh - ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: “Sau một thời gian thí điểm tại một số quận, ứng dụng hiện đã tương đối hoàn chỉnh, rất tiện lợi cho người dân, và đặc biệt là góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ”. Cũng theo ông, với nền tảng của ứng dụng này, thành phố sẽ phát triển, mở rộng cũng như phát triển thêm những tiện ích khác liên quan đến quản lý quy hoạch, xây dựng,…

Ứng dụng “Thông tin Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” có thể chạy trên máy vi tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Cụ thể cách sử dụng như sau:

Với người dùng máy tính

  • Truy cập địa chỉ https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn .
  • Có nhiều chế độ hiển thị khác nhau để chọn như loại nền bản đồ, loại bản đồ…
  • Xác định được thửa đất cần xem thông tin quy hoạch dựa trên định vị GPS của người dùng.
  • Click vào vị trí thửa đất hoặc nhập thông tin toạ độ, nhập theo thứ tự Quận, Phường và số thửa đất; số tờ bản đồ trên sổ đỏ để nhận thông tin quy hoạch.

Tra cứu quy hoạch bằng máy tính

Với người dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng

  • Cài đặt phần mềm “Thông tin Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” và sử dụng tương tự như trên máy tính.
  • Người dùng iOS vào App Store và người dùng Android vào CH Play để tải, cài đặt ứng dụng.

Tra cứu quy hoạch bằng điện thoại

Trên đây là toàn bộ thông tin quy hoạch Tp. Hồ Chí Minh mới nhất đến năm 2025; hướng dẫn cách tra cứu nhanh chóng, chi tiết đến từng tọa độ. Hy vọng, người dân quan tâm đến quy hoạch thành phố sẽ nắm bắt thông tin một cách dễ dàng hơn.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn