Tìm hiểu nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới

Không riêng gì Việt Nam, nhà ở xã hội trên thế giới đã được hình thành và phát triển từ khá lâu. Tùy vào nền kinh tế, trình độ phát triển mà mô hình này cũng có những khác biệt rõ rệt.

Hầu hết chúng ta đều biết nhà ở xã hội là gì, đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội trong nước. Tuy nhiên, ở một vài quốc gia khác, chính sách ưu đãi, cơ chế vận hành của loại bất động sản này có tương đồng? Tìm hiểu về nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới có thể là kinh nghiệm đắt giá cho Việt Nam trong việc phát triển loại nhà ở này.

Nhà ở xã hội tại Singapore

Singapore từng là quốc gia có khoảng ¼ dân số phải sống chui rúc trong những khu ổ chuột, những tòa nhà cũ kỹ, chật chội không có hệ thống vệ sinh, không tiện ích. Sự ẩm thấp, nghèo túng tại đây đã “sản sinh” ra nhiều tệ nạn, tội phạm xã hội.

Từ khi được thành lập, Ủy ban nhà ở và phát triển Singapore đã phải đối mặt với thực trạng khó khăn khi chất lượng cuộc sống của người dân quá thấp, yêu cầu đặt ra phải cung cấp khoảng 11.500 căn nhà mỗi năm cho người hạn hẹp về tài chính.

Sau 5 năm nỗ lực, số nhà ở được xây dựng đã đạt 53.777 căn, đáp ứng được hầu hết nhu cầu an cư cho người dân. Đặc điểm của các căn nhà này là được xây dựng vô cùng đơn giản, nhưng lại cung cấp đầy đủ công năng cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản hàng ngày.

Kế hoạch “Cung cấp quyền sở hữu nhà cho người dân” được triển khai từ năm 1964, hỗ trợ khoản vay thế chấp lãi suất thấp nhằm giúp người dân mua được nhà cho chính mình. Từ đó, nhà ở xã hội tại Singapore ngày càng được nâng cấp và mở rộng phạm vi, đối tượng hướng đến hơn.

nhà ở xã hội tại singapore

Nhà ở xã hội tại Thụy Điển

Đảng Dân chủ xã hội tại quốc gia này đã thực hiện “Chương trình một triệu” với mục tiêu “Toàn dân phải được cung cấp căn hộ tốt với giá thành hợp lý”.

Sự thành công của chương trình đã mang lại cho hầu hết người dân không gian sống mơ ước tại thời điểm đó. Đây đều là các căn hộ tiêu chuẩn 3 phòng được thiết kế có diện tích tối thiểu 75m2, dành cho một gia đình gồm bố mẹ và 2 con. Từ năm 2001, Thụy Điển lại bắt đầu việc đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội chất lượng cao hơn nhằm nâng tầm đời sống cho cư dân.

Nhà ở xã hội tại Hàn Quốc

Theo “Chương trình kế hoạch mua nhà lần đầu”, người mua có thể vay được khoản tiền lên tới 70% giá trị căn nhà với lãi suất rất thấp, chỉ từ 6 - 6,5%/năm. Đối với người làm công ăn lương có thu nhập không cao, mức lãi suất là 5,5%/năm. Thậm chí, với người có mức thu nhập thấp nhất, lãi suất chỉ còn 3%/năm. Đây là chương trình đã hỗ trợ người dân Hàn Quốc rất nhiều trong việc sở hữu cho mình một căn nhà riêng.

Đặc biệt, Chính phủ cực kỳ quan tâm đến mô hình này khi hạn chế các dự án chung cư cao cấp, tăng cường các hoạt động bình ổn thị trường, ngăn chặn nạn đầu cơ bất động sản. Chính vì vậy, phần lớn người Hàn đều khá thuận lợi trong việc chọn nhà “vừa vặn” với mức tài chính.

nhà ở xã hội Hàn Quốc

Nhà ở xã hội tại Trung Quốc

Sự di cư ồ ạt từ vùng nông thôn lên thành phố là nguyên nhân khiến Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề nhà ở cho cư dân. Chính phủ đã tập trung giải quyết bằng các phương án áp dụng trên nhiều phương diện.

Phương diện chính sách:

  • Bộ Nhà ở lập kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho toàn quốc và thực hiện phân bổ nguồn ngân sách mà Trung ương hỗ trợ cho các địa phương;
  • Các địa phương phải điều tiết kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội,
  • Miễn một số loại thuế, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Phương diện thuê, mua nhà: đối tượng phải đáp ứng 3 điều kiện

  • Thuộc diện thu nhập thấp so với thu nhập bình quân của địa phương,
  • Có diện tích nhà ở bình quân dưới 7m2/người
  • Có tài khoản tại ngân hàng khoảng 90 nghìn tệ trở xuống.

Việc đặt ra các tiêu chuẩn này khá giống với cách thức quy định tại Việt Nam.

Phương diện phát triển nhà ở:

  • Chủ đầu tư chỉ được phép huy động vốn của người mua nhà khi công trình xây dựng được 25% khối lượng, Nhà nước không khống chế mức huy động vốn.
  • Người mua nhà lần đầu được ưu đãi cho vay với mức tối đa bằng 80% giá trị căn hộ, 70% số tiền vay được ưu đãi về lãi suất.
  • Quá trình mua bán nhà ở được thông qua mạng website để cơ quan quản lý nhà ở kiểm soát.
  • Chủ đầu tư được quyền lựa chọn khách hàng và trực tiếp thỏa thuận với khách hàng về việc mua bán, không nhất thiết phải thông qua Sàn giao dịch bất động sản.
  • Thực hiện bảo tồn đối với nhà ở trong khu phố cũ, Chính phủ sẽ hỗ trợ nếu cần thiết.
  • Tân trang hoặc phá dỡ xây dựng lại để đồng bộ hạ tầng đối với nhà ở các khu vực khác.

Nhà ở xã hội tại Pháp

nhà ở xã hội Pháp

Chính sách nhà ở xã hội tại Pháp được xuất phát từ mục tiêu giúp đỡ người dân thu nhập thấp có cơ hội định cư trong điều kiện tốt nhất trong khả năng, nhưng không chỉ dựa trên mỗi lòng nhận đạo và ý thức, mà còn phải cần đến sự có mặt của khung pháp lý vững chắc. Nhà ở xã hội đều được trang bị đầy đủ tiện nghi nhằm mang đến cho người sở hữu chất lượng cuộc sống đảm bảo nơi đô thị.

Các quy định hiện hành cho thấy, người thu nhập thấp được hưởng nhiều chính sách bảo vệ quyền lợi, cụ thể:

  • Doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép là nhà đầu tư thứ phát trong các dự án xây dựng nhà ở.
  • Mỗi khu vực sẽ được tính toán cụ thể nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó phân bổ vào các dự án.
  • Nhà ở xã hội không xây dựng thành một khu vực riêng mà các dự án từ 800m2 sàn trở lên sẽ phải có tối thiểu 2 căn hộ nhà ở xã hội.
  • Mỗi địa phương phải đảm bảo số căn hộ nhà ở xã hội bằng 20% tổng số căn hộ trên địa bàn.

Ở các quốc gia kể trên, có nhiều điểm tiến bộ mà chương trình nhà ở xã hội tại Việt Nam có thể tham khảo. Đơn cử như quy định lãi suất để giảm bớt gánh nặng "còng lưng" trả nợ vì nhà ở xã hội, khung pháp lý vững chức và sự giám sát chặt chẽ nhằm tránh các trường hợp trục lợi từ nhà ở xã hội,... Mặc dù có sự khác biệt về văn hóa lẫn trình độ phát triển, tuy nhiên đó vẫn là thông tin hữu ích để nhà ở xã hội trong nước có cơ hội phát triển hơn.

Xem thêm:

Đánh giá của bạn